Cuộc sống mới cho những chiếc cặp học sinh đầy kỷ niệm

Bài: Rin
Mar 30, 2022

Nguồn: soranews24.com

Những chiếc cặp học sinh cũ được một công ty túi xách Nhật Bản biến tấu thành các vật dụng hữu ích như ví, móc khóa, vừa giúp lưu giữ một phần ký ức của học sinh tiểu học Nhật, vừa tái chế một cách hiệu quả theo đúng tinh thần tránh lãng phí Mottainai của người Nhật.

Là chiếc cặp chống gù lưng nổi tiếng của các em học sinh tiểu học Nhật Bản, Randoseru được mang từ khi vào lớp 1 đến tận năm lớp 6. Nếu là fan của bộ truyện tranh Doraemon, hẳn bạn đã quen thuộc với hình ảnh các nhân vật trong truyện như Nobita, Shizuka, Jaian đeo chúng trên vai mỗi ngày đến lớp.

cặp randoseru nhật bản
Cặp Randoseru thân thuộc với học sinh tiểu học Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia 

Sau khi lên trung học, học sinh Nhật Bản không còn mang những chiếc cặp hình hộp Randoseru nữa, thay vào đó các em chuyển sang mang túi đeo vai hoặc ba lô nhỏ hơn.

Với nhiều học sinh và phụ huynh Nhật Bản, những chiếc cặp Randoseru mang trong mình rất nhiều ký ức và nếu tình trạng da của cặp vẫn còn tốt, sẽ thật đáng tiếc nếu phải vứt bỏ hoặc cất chúng vào tủ. Bởi Randoseru thường được làm bằng chất liệu da tốt và nổi tiếng đắt đỏ với mức giá từ 20.000 yên trở lên (khoảng 4.000.000 VND).

Thấu hiểu điều này, công ty túi xách Askal đặt trụ sở tại thành phố Ichinomiya, tỉnh Aichi đã cung cấp dịch vụ tái chế cặp Randoseru theo một cách khá sáng tạo. 

Ý tưởng tái chế cặp Randoseru

Công ty túi xách Askal ban đầu là một cơ sở kinh doanh nhỏ chuyên về da Ý, ra đời vào năm 2010. Năm 2017, Daisuke Ohashi, Chủ tịch công ty Askal đã ra mắt dịch vụ “Tái chế Randoseru”, được truyền cảm hứng từ chính con gái của ông.

Cô bé khi ấy vừa tốt nghiệp tiểu học, sắp bước vào bậc trung học cơ sở. Một người bạn của cô đã biến chiếc cặp Randoseru của mình thành chiếc túi xách nhỏ. 

dịch vụ tái chế randoseru askal
Dịch vụ tái chế Randoseru của công ty Askal. Ảnh: soranews24.com

Do vậy, cô bé đã nói với bố mình rằng: “Ước gì có cách để biến chiếc cặp Randoseru của con thành một thứ gì đó”. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, chiếc cặp của cô bé đã được gia đình mang đi thanh lý. Do vậy, cô quyết định dùng các miếng da thừa ở nhà máy của bố để làm một chiếc ví đựng thẻ và kẹp tóc. 

Chứng kiến cảnh con gái vô cùng hạnh phúc khi làm chúng, ông Ohashi nhận ra có một thị trường tiềm năng dành cho việc tái chế cặp sách.

Như dự đoán, sau khi ra mắt, dịch vụ tái chế cặp Randoseru ngay lập tức trở nên phổ biến và ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến. Cụ thể, vào năm đầu tiên - 2017, công ty đã giúp tái chế 800 cặp Randoseru cũ và đến năm 2021, con số này đạt mức 14.000 chiếc. 

ví đựng thẻ, tiền xu từ cặp randoseru
Ví đựng thẻ, tiền xu làm từ cặp Randoseru. Ảnh: soranews24.com

Đặc biệt, vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 lan rộng, công việc kinh doanh của công ty Askal vẫn tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân. Thời điểm đó, rất nhiều học sinh năm cuối bậc tiểu học đột nhiên phải nói lời tạm biệt với chiếc cặp bởi trường học bị buộc đóng cửa do đại dịch.

Các bậc phụ huynh cảm thấy buồn cho con của họ trước tình huống bất khả kháng trên, nên đã tìm đến Askal để biến chiếc cặp Randoseru gắn bó với con trong suốt 6 năm liền thành những món đồ kỷ niệm. Thông qua truyền miệng, ngày càng có nhiều phụ huynh biết đến dịch vụ này. 

Tái chế Randoseru như thế nào? 

Để tái chế Randoseru, công ty Askal cắt lấy một số bộ phận của chiếc cặp như quai đeo vai, các mặt của cặp và biến chúng thành nhiều vật dụng bằng da thiết thực, bao gồm ví tiền, ví đựng thẻ hay móc chìa khóa. 

sản phẩm da làm từ cặp randoseru
Nhiều sản phẩm da bắt mắt được Askal làm từ cặp Randoseru cũ. Ảnh: soranews24.com

Công đoạn đầu tiên của quá trình tái chế cặp là cắt rời các bộ phận bằng kéo chuyên dụng dùng để cắt da. Sau đó, da được xử lý một cách tỉ mỉ trước khi tái sử dụng. Tùy vào mục đích sử dụng mà da cặp được xử lý theo nhiều cách khác nhau như làm mỏng đi, đốt để loại bỏ phần da bị sờn hay sơn cẩn thận bằng tay. 

các sản phẩm từ cặp randoseru của askal
Các sản phẩm làm từ cặp Randoseru cũ. Ảnh: soranews24.com

Hơn nữa, ngay cả những phần nhỏ nhất của cặp Randoseru cũng có thể được tái chế, như khóa kéo của túi bên trong hay phần dập nổi trên nắp cặp. Cả hai phần này được kết hợp để tạo nên ví tiền.

Khi đặt dịch vụ, khách hàng có thể lựa chọn loại phụ kiện được làm từ cặp Randoseru. Với gói cơ bản có giá 7.800 yên (khoảng 1.400.000 VND), khách hàng nhận được 6 loại phụ kiện: túi đựng chìa khóa, ví đựng thẻ, 3 kẹp tóc, móc khóa hình tròn, móc khóa dây quai và dây cột cáp. Với gói nâng cao có giá 14.500 yên (khoảng 2.700.000 VND), khách hàng nhận được ví đựng tiền cùng các vật dụng bằng da có kích thước lớn hơn. 

Ngoài ra, Askal cũng cung cấp các dịch vụ như bảo dưỡng các vết xước, hư hỏng trên da. Hơn nữa, nếu muốn, bạn cũng có thể khắc tên cũng như thông điệp lên các sản phẩm làm từ cặp Randoseru cũ với một mức phí nhất định. 

Đặc biệt, Askal cũng liên hệ với pháp sư của đền Owari Sarutahiko tại thành phố Ichinomiya để thanh tẩy chiếc cặp cũ và bày tỏ lòng biết ơn với chúng. Do vậy, từng chiếc cặp chứa đựng những ký ức bên trong đều nhận được tất cả sự tôn trọng mà chúng xứng đáng có được. 

đền Owari Sarutahiko
Linh mục của đền Owari Sarutahiko thanh tẩy các chiếc cặp Randoseru cũ. Ảnh: soranews24.com

Hiện tại, dịch vụ tái chế cặp Randoseru của Askal cũng đã có mặt trên Yahoo! Shopping và Rakuten.

kilala.vn

Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs), còn được gọi là Mục tiêu toàn cầu, được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 2015 như một lời kêu gọi hành động để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên (LHQ). SDGs được thiết kế để chấm dứt nghèo đói, AIDS và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Các SDGs dựa trên sáu chủ đề bao gồm: nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng. Bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu.
SDGs

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU