Bong bóng kinh tế Nhật: Tiếng nổ còn vang đến tận hôm nay

Bài: Minh NhậtApr 15, 2021

Một vài năm trở lại đây, bạn có thể nghe thấy cụm từ “bong bóng vàng”, “bong bóng bất động sản” ra rả ở khắp nơi. Tâm lý chung của người nghe là nghĩ ngay đến một thứ ảo, không có thật. Nhưng bong bóng là một vật chất có thật đấy thôi, nó đâu phải là ảo ảnh, chừng nào bị thổi phình to quá mức giới hạn mới phát nổ mà thôi, cũng giống như bài học về bong bóng kinh tế Nhật Bản 30 năm về trước.

Thế nào là nền kinh tế bong bóng?

Thời kỳ bong bóng kinh tế xảy ra trong khoảng 4 năm, từ năm 1986 đến năm 1991 tại Nhật Bản với giá đất và giá cổ phiếu leo thang mạnh mẽ. Sự tăng giá của các loại tài sản này làm cho nhiều cá nhân và công ty trở nên giàu có trong phút chốc. Sản xuất và chi tiêu đã bị kích thích làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế nhảy vọt. Thế nhưng sự sụp đổ về sau cũng nhanh không kém sự phình to mãnh liệt ban đầu của nó, nên được gắn với cái tên bong bóng.

nền kinh tế bong bóng Nhật tiếng nổ còn vang đến tận hôm nay
Thời kỳ bong bóng kinh tế tại Nhật Bản diễn ra trong 4 năm, nhưng phải mất 20 năm để phục hồi. Ảnh: naka668.com

Bản thân việc tăng giá tài sản không phải là xấu, nhưng vấn đề là nó đã vượt qua khả năng thực sự của nền kinh tế Nhật Bản. Đặc biệt là ngay trước thời kỳ đỉnh cao của nền kinh tế bong bóng không có cơ sở này, rất nhiều người Nhật đã tin rằng đó là điều tất nhiên, rằng đây là sức mạnh thực sự của Nhật Bản.

Tại sao lại xuất hiện nền kinh tế bong bóng?

Nền kinh tế bong bóng khởi nguồn từ năm 1985. Theo lời kêu gọi của Mỹ, vào ngày 22 tháng 9 cùng năm, Hội nghị Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của 5 nước phát triển (G5 – Nhật, Mỹ, Anh, Đức, Pháp) đã được tổ chức tại khách sạn Plaza ở New York. Tại đó nhóm G5 đã nhất trí giảm giá đồng đô la Mỹ so với đồng yên Nhật. Đây là thỏa ước Plaza về tài chính nổi tiếng, với mục đích điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, sau thỏa ước Plaza, tốc độ tăng giá của đồng yên Nhật nhanh hơn mức dự đoán của Chính phủ và Ngân hàng Nhật Bản, khiến Nhật đối mặt với nguy cơ suy thoái. Vì thế, Ngân hàng Nhật Bản đã triệt để thực hiện chính sách hạ lãi suất, mà kết quả là tình trạng “dư tiền” chưa từng có. Với nguồn tiền đầu tư dư dả được đổ vào thị trường chứng khoán, cổ phiếu bắt đầu tăng giá. Chỉ số trung bình chứng khoán Nikkei ngày 29 tháng 12 năm 1989 đạt mức kỷ lục trong lịch sử lên đến 38.915 yên Nhật.

giá cổ phiếu leo thang mạnh mẽ trong thời kỳ nền kinh tế bong bóng tại Nhật Bản
Giá cổ phiếu leo thang mạnh mẽ trong thời kỳ bong bóng kinh tế tại Nhật Bản. Ảnh: scmp.com

Xã hội Nhật Bản thay đổi ra sao trong thời kỳ này?

Không chỉ có chứng khoán, dòng tiền dư dả được tạo ra từ chính sách lãi suất thấp này của Ngân hàng Nhật Bản còn nhắm đến thị trường bất động sản, khiến giá đất tăng vọt. Không biết từ lúc nào, câu chuyện “giá đất chắc chắn sẽ tăng, sẽ tiếp tục tăng” được truyền tai, mọi người đổ xô đi mua nhà đất. 

Chính vì vậy mà ngay chính giữa thời kỳ bong bóng kinh tế này còn phát sinh thêm một bong bóng khác – bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, việc nâng giá đất hay buôn đi bán lại để nâng giá đất dần gây ra nhiều vấn đề xã hội, thị trường bất động sản không còn giữ được vai trò vốn dĩ của mình.

sở giao dịch chứng khoán Tokyo trong thời kỳ nền kinh tế bong bóng năm 1989
Sở giao dịch chứng khoán Tokyo trong thời kỳ bong bóng vào tháng 12 năm 1989. Ảnh: financial.jiji

Về mặt xã hội, đồng yên tăng giá, kinh tế phát triển bùng nổ, người Nhật bắt đầu chi tiêu mạnh tay cho những chuyến du lịch nước ngoài đắt đỏ, các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng; các căn hộ hay xe hơi cao cấp, thẻ hội viên chơi golf mắc tiền cũng được bán hết nhanh như gió; các điểm resort nghỉ dưỡng, công viên giải trí, khu trượt tuyết cao cấp lúc nào cũng đông kín người, các thanh thiếu niên dập dìu trong các sàn disco đẳng cấp; thị trường việc làm sôi động, việc làm không thiếu, chế độ đãi ngộ tuyệt vời, thậm chí có nơi còn chi tới năm nghìn đô la Mỹ cho một khóa học Anh văn cho các nhân viên mới được nhận vào; những tờ 10.000 yên (tương đương 100 đô la Mỹ) phất phới chỉ để thu hút sự chú ý của các tài xế taxi vốn trở nên khó bắt về đêm, đám đông cuồng nhiệt trong cảm giác thịnh vượng và đủ đầy.

Cho đến khi bong bóng vỡ!

Ngân hàng Nhật Bản đã bỏ chính sách lãi suất thấp từ tháng 5 năm 1989, bắt đầu tăng lãi suất. Từ tháng 3 năm 1990, chính phủ cũng siết chặt việc cho vay tài chính đối với bất động sản. Bước vào năm 1990, giá cổ phiếu lao dốc đột ngột, rồi không lâu sau đó giá đất cũng bắt đầu tuột dốc theo. Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản sụp đổ, Nhật Bản rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Hậu quả của vụ vỡ bong bóng lớn đến mức phải mất một thời gian rất dài để phục hồi, sau này được gọi là “20 năm đánh mất”.

Những hệ lụy to lớn

Cuộc sống hào nhoáng bỗng chốc vỡ tan như một giấc mộng đẹp đêm hè. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng ngập trong các món nợ khó đòi, các gia đình thắt chặt chi tiêu, các công ty cắt giảm nhân sự, thắt chặt chế độ tuyển dụng và đãi ngộ, người dân thấp thỏm lo âu không biết liệu tình hình có còn xấu hơn nữa không. Nhưng tác động to lớn này ảnh hưởng trực tiếp đến một nhóm dân số hơn 20 triệu người, chiếm 16% dân số Nhật Bản năm 1990, được lịch sử gọi tên là “Lost Generation”, tức “thế hệ mất mát”.

Ngược dòng lịch sử, như chúng ta đã biết, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Nhật Bản có 2 kỳ bùng nổ dân số. Những đứa trẻ thuộc thế hệ bùng nổ dân số lần thứ hai tại Nhật Bản (ra đời trong khoảng năm 1971 – 1974) khi bắt đầu ra đời lập nghiệp, kiếm việc làm, nhiều người bị rơi trúng vào khoảng thời gian kỷ băng hà của tuyển dụng (khoảng năm 1993 – 2004). Thế hệ này được gọi là thế hệ kỷ băng hà hoặc là thế hệ mất mát – “Lost Generation”.

sinh viên tốt nghiệp xếp hàng dài trong hội chợ việc làm tại Tokyo năm 2000
Sinh viên tốt nghiệp xếp hàng dài trong hội chợ việc làm tại Tokyo năm 2000. Ảnh: asia.nikkei

So với những bậc tiền bối sinh trước mình 10 năm - lớp người lao động tốt nghiệp đại học vào cuối thập niên 1980 và những năm đầu thập niên 1990, khi nền kinh tế Nhật Bản còn đang bay cao, được gọi là “thế hệ bong bóng”, xin việc tại một tập đoàn lớn khi ấy vô cùng dễ dàng, thì nay thế hệ mất mát phải chật vật săn việc làm sau khi bong bóng kinh tế vỡ. Ngay cả khi được nhận vào, chế độ đãi ngộ cũng bị cắt giảm, thiếu các chương trình đào tạo nhân lực được đầu tư bài bản.

Ngày nay, những người thuộc thế hệ mất mát đã bước vào độ tuổi trung niên, vẫn đang phải vất vả tìm đường thăng tiến trong sự nghiệp trong khi phần đông các vị trí chủ chốt trong công ty vẫn đang bị nắm giữ bởi thế hệ bong bóng năm xưa trong bối cảnh các công ty Nhật Bản vẫn đánh giá và đãi ngộ nhân viên dựa trên hai tiêu chí chính là số năm thâm niên và mức độ trung thành. 

Thu nhập thấp là một phần dẫn đến tỷ lệ kết hôn thấp, việc sinh con trở nên khó khăn hơn. Đây cũng là một lý do khó có thể phủ nhận của quốc nạn thiếu trẻ sơ sinh ở Nhật Bản ngày nay. Những trường hợp tìm được cho mình một chỗ làm nghĩa là họ vẫn còn may mắn.

Khi nhật báo buổi sáng Asahi lần đầu tiên sử dụng từ “Lost Generation” vào năm 2007, từ “lost” không những chỉ sự mất mát, đánh mất, mà còn bao hàm ý nghĩa của sự lạc lối. Những con người trẻ bế tắc không tìm được lối đi cho đời mình. Một bộ phận những thành viên trong “thế hệ mất mát” thậm chí đã tự cô lập mình với xã hội sau quá nhiều năm không tìm thấy thành công trong cuộc sống và công việc. 

Những thanh niên này còn được gọi là NEET. Vậy Neet là gì? Những thanh niên Nhật Bản bỏ cuộc trên con đường học vấn hoặc tìm việc làm và đóng hết các cánh cửa tiếp xúc với xã hội, “không học vấn, không việc làm, không được huấn luyện”- được gọi là NEET (viết tắt của Not in Education, Employment, or Training).

thế hệ NEET tự cô lập với xã hội - nền kinh tế bong bóng
Thế hệ NEET tự cô lập với xã hội. Ảnh: px3.fr

Hơn 20 năm sau đợt suy thoái làm đóng băng thị trường việc làm, nhiều người dù đã bước sang độ tuổi 40 nhưng vẫn sống dựa vào bố mẹ – được gọi là Parasite single. Họ trông chờ vào tiền tiết kiệm và phúc lợi hưu trí của người thân. Nhật Bản ngày nay đang phải đối mặt với vấn đề dân số già, thì khoảng 30 năm sau nữa, khi cha mẹ họ mất đi, thế hệ con trung niên độc thân đang sống phụ thuộc này già đi, lại sẽ trở thành gánh nặng to lớn đối với chi phí bảo trợ người cao tuổi trên toàn nước Nhật.

Dẫu có nhiều ý kiến hoài nghi về mức độ khả thi cũng như thời điểm thực hiện đã quá trễ khi hơn 20 năm đã trôi qua, nhưng Chính phủ Nhật hiện vẫn đang nỗ lực tiến hành nhiều chính sách hỗ trợ giúp đỡ thế hệ mất mát này “tái thiết lại cuộc đời”

Tuy nhiên nếu nhìn về mặt tích cực, thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, trễ vẫn còn hơn không. Hi vọng bài học lịch sử về nền bong bóng kinh tế cũng như cách ứng phó của Nhật Bản sẽ là bài học kinh nghiệm lớn cho kinh tế nhiều nước học tập.

Những vụ liên quan đến nền kinh tế bong bóng là ?

Hội chứng cuồng hoa Tulip, Bong bóng South Sea, Bong bóng Mississippi, Quả bom nhà đất Florida. Những hiện tượng liên quan đến "nền kinh tế bong bóng" có thể gây thiệt hại lên đến hàng triệu đô

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU