Akio Nitori - Người thay đổi ngành bán lẻ nội thất Nhật Bản

Bài: Nguyệt Anh (t/h)
Mar 25, 2019

Ảnh: Pixta, Forbes, gettyimages

Một chuyến đi đến Mỹ vào năm 1972 đã thay đổi cuộc đời của Akio Nitori và tương lai của ngành bán lẻ hàng nội thất Nhật Bản.

Bài học từ ngành nội thất Mỹ

Năm 1972, Nitori mới 27 tuổi đã là chủ của 2 cửa hàng trang trí nội thất và đồ gia dụng tại đảo Hokkaido. Sau đó, trong một chuyến đi thực nghiệm do một Hiệp hội ngành trang trí nội thất tổ chức, chàng trai trẻ đã có 1 tuần ở bang California (Mỹ), mua sắm và quan sát cách người Mỹ sinh sống, mua sắm, tiêu dùng.

Niroti

Nitori nhận thấy rằng, không giống như những ngôi nhà chật hẹp ở Nhật, những ngôi nhà ở California không chỉ có 1 phòng tắm mà có tới 2 phòng, cùng với các phòng riêng làm nơi sinh hoạt của gia đình, khách đến chơi và có cả một hồ bơi ở sân sau. Người Mỹ thích trang trí nhà bằng các loại vải có nhiều màu sắc được phối hợp hài hòa, trong khi người Nhật cũng trang trí nhà với nhiều màu sắc nhưng rất lộn xộn, không theo quy luật nào.

Đồ nội thất và gia dụng Mỹ được thiết kế nhằm làm cuộc sống của chủ sở hữu được thoải mái hơn, chứ không chỉ để làm phồng túi tiền của các nhà sản xuất nội thất như ở Nhật. Điều quan trọng hơn nữa là người Mỹ bỏ ra chi phí không nhiều để sở hữu các mặt hàng tiện ích này, vì giá đồ nội thất và gia dụng tại Mỹ rẻ hơn nhiều, chỉ bằng 1/3 so với Nhật.

“Lúc đó, lần đầu tiên tôi hiểu được rằng, người Nhật “sống nghèo” như thế nào. Và tôi muốn thay đổi điều đó bằng cách giúp họ hưởng thụ một cuộc sống giàu có như người Mỹ”, Nitori nhớ lại.

Rẻ nhưng chất lượng

Cho đến nay, những chuyến đi thăm Mỹ vẫn là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của Hãng Nitori. Mỗi năm, Nitori đưa khoảng 800 nhân viên đến Mỹ tham quan các siêu thị trong hệ thống Wal-Mart, Target và những siêu thị khác để xem cách thức trình bày các gian hàng, kỹ thuật bán hàng, mẫu mã hàng hóa, chất liệu, màu sắc cũng như giá cả.

Những việc làm đơn giản này đã giúp Hãng Nitori đứng vững trong một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt vốn đã đẩy nhiều nhà bán lẻ truyền thống ở Nhật vào cảnh phá sản. Trong khi các nhà bán lẻ truyền thống đang chật vật xoay xở thì các chuỗi cửa hàng giá rẻ như Nitori, Shimamura, Fast Retailing (điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo) và Yamada Denki lại bành trướng rất nhanh. Những nhà bán lẻ này không chỉ đem đến cho người tiêu dùng các sản phẩm giá rẻ mà còn mạnh tay cắt giảm chi phí, chú trọng đến khả năng sinh lời và đặc biệt quan tâm đến thời trang và mẫu mã.

Niroti

Theo Forbes, tỉ phú Nitori hiện sở hữu 3,4 tỉ USD và ở trong top 50 người giàu nhất Nhật Bản (năm 2018). Ông là người nhất quán, luôn nghĩ cách làm thế nào để giảm giá thành mà không gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ông đã luôn trung thành với tôn chỉ này trong bao năm qua.

Luôn tăng trưởng trong "thập kỷ mất mát”

Bắt đầu từ thập niên 1990, kinh tế Nhật rơi vào “thập kỷ mất mát”. Các công ty bán lẻ Nhật chứng kiến tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm không ngừng từ năm 1998, theo thống kê của Hiệp hội kinh doanh siêu thị Nhật.

Tuy nhiên chỉ riêng Nitori vẫn “ăn nên làm ra” bởi hãng đã lựa chọn bán hàng cho phân khúc người tiêu dùng trung lưu vốn rất nhạy cảm với giá cả mỗi khi tình hình kinh tế khó khăn hơn. Tập đoàn Nitori đã có lãi đến 30 năm liên tiếp bất chấp việc kinh tế Nhật phải trải qua 6 lần suy thoái và một cuộc khủng hoảng nhà đất tồi tệ.

Niroti

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Nitori thu hút khách hàng bằng khẩu hiệu “Giá cả luôn rẻ”, thậm chí giá sản phẩm của hãng giảm đến 12 lần chỉ trong vài năm. Và Nitori luôn yêu cầu nhân viên phục vụ khách hàng với tiêu chí khách hàng sẽ nhận được sản phẩm và dịch vụ bán hàng tốt hơn kỳ vọng.

Thường xuyên trẻ hóa các cửa hàng

Hầu hết các sản phẩm Nitori được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác. Đồng thời, công ty cũng sở hữu 2 nhà máy tại Việt Nam và Indonesia. Tại 2 nhà máy này, Nitori sản xuất những mặt hàng mà các nhà máy bên ngoài sẽ không thể làm đạt theo tiêu chuẩn chất lượng đặt ra, đặc biệt là các sản phẩm như tủ, giường.
“Không công ty nào lại đeo đuổi mô hình kinh doanh bán lẻ và sản xuất kép đến mức độ như Nitori”, Nozomi Moriya, chuyên gia tại ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ), chuyên theo dõi hoạt động của Nitori, nhận định. Bà Moriya cho biết, việc sở hữu các nhà máy cho phép Nitori làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp một cách dễ dàng hơn vì họ hiểu rõ hoạt động sản xuất của chính mình. Điều này giúp Nitori không phải thông qua các công ty thương mại mà mua trực tiếp từ các nhà máy và có thể giảm giá bán sản phẩm.Niroti

Bên cạnh kiên định với giá trị cốt lõi đã đề ra, Nitori còn là người say mê những con số. Ông luôn theo dõi những dữ kiện quan trọng đối với thành bại của Công ty như lượng khách hàng đến mua sắm, độ tuổi của mỗi siêu thị và nhân viên, số lượng đơn khiếu nại về chất lượng, lợi nhuận và doanh thu tính trên mỗi nhân viên. Và từ đó, ông đặt ra các chiến lược phù hợp.

Ông tin rằng có một độ tuổi lý tưởng cho các siêu thị và nhân viên. Ông luôn duy trì độ tuổi trung bình của các cửa hàng là 24 và cho đóng cửa những siêu thị đã quá già cỗi hoặc không còn khả năng thu hút đủ lượng khách hàng đến mua sắm. Ông cũng giữ độ tuổi trung bình của nhân viên trong khoảng 30-34. 

Cách thức của Nitori, tuy có vẻ kỳ quặc, nhưng hoàn toàn đúng luật vì luật pháp Nhật cho phép người sử dụng lao động cụ thể hóa giới hạn độ tuổi đối với những lao động được tuyển mới trong một số điều kiện cho phép. Và điều quan trọng là cách thức đó đã phát huy tác dụng. Doanh số bán và lợi nhuận hằng năm của Nitori luôn tăng trong bao năm qua. Khách hàng vẫn luôn xếp hàng bên ngoài siêu thị Fuchu, ngoại ô Tokyo, chờ mở cửa. Ôtô cũng xếp hàng dài, chờ được vào bãi đỗ xe những ngày cuối tuần.

Niroti

Nitori đã đạt được mục tiêu, đó là đem đến cho người Nhật một cuộc sống tiện nghi thoải mái với giá cả phải chăng. Thậm chí người ta còn nói với nhau rằng: “Hầu hết các căn hộ tại Nhật đều sở hữu ít nhất một món hàng của Nitori”. Không chỉ làm đẹp các ngôi nhà ở Nhật, Nitori còn đưa các sản phẩm nội thất đến một số lãnh thổ và quốc gia châu Á khác (Nitori có 5 siêu thị nội thất tại Đài Loan).

Không ngừng mơ ước

Khi bước sang tuổi 73, Nitori vẫn chưa có ý định sẽ ngừng làm việc. Hoạt động kinh doanh tại Nhật, tạm thời ông giao cho người cộng sự lâu năm. Bản thân Nitori tập trung vào phát triển thương hiệu tại Trung Quốc. Từ năm 2014, ông đã mở 11 cửa hàng và đặt kế hoạch sẽ tăng gấp đôi số lượng cửa hàng trong năm nay.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia thị trường, chiến lược cạnh tranh bằng giá rẻ của Nitori có thể không phát huy nhiều tác dụng tại đất nước vốn đã là công xưởng sản xuất hàng giá rẻ của thế giới. Có thể kể đến IKEA (thương hiệu nội thất hàng đầu Thụy Điển) với nhiều gian hàng chật ních người nhưng chủ yếu đến đây để nằm, ngồi miễn phí hưởng điều hòa mát chứ không phải để mua hàng.

Dù vậy, Nitori vẫn rất quyết tâm, tham vọng của ông là sẽ mở được 3.000 cửa hàng tại Trung Quốc trước năm 2032.

kilala.vn
Trong ngành kinh doanh đồ nội thất, tập đoàn Nitori đứng đầu cả về doanh số và doanh thu bán hàng.

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU