Vì sao nhân viên Nhật không tự ý về trước sếp dù hết giờ?

Bài: Minh Nhật/ Ảnh minh họa: PIXTAJun 22, 2018

Khác với văn hóa làm việc trong các công ty Âu Mỹ ai làm việc người nấy, nhân viên xong trước về trước, một trong những điều dễ gây khó chịu và khó hiểu nhất cho người nước ngoài khi làm việc chung với người Nhật là mặc dù việc của mình đã xong nhưng ai cũng ở lại văn phòng cho đến khi nào sếp của mình xong việc thì tất cả mới được cùng về.

nhân viên văn phòng
(Ảnh minh họa: RyoWATANABE/PIXTA)

Lối sinh hoạt cộng đồng, đội nhóm 

Thực ra, nề nếp đó là một phần của lối sinh hoạt cộng đồng, đội nhóm đặc trưng của người Nhật. Một khi đã là công việc của tập thể, việc của một người là một phần của việc chung, thì mọi người sẽ cùng làm, cùng bảo bọc, coi ngó lẫn nhau, không có việc bạn phải bơ vơ một mình gồng gánh quá sức.

Khi công việc quá nhiều không kham nổi, các đồng nghiệp khác có thể đề nghị bạn chia sẻ hoặc bạn có thể tự động đề nghị được giúp đỡ, không để tới lúc quá hạn hoặc không lo liệu được nữa mới báo cáo lên cấp trên lý do không thực hiện được công việc được giao là vì làm không nổi thì sẽ không hay chút nào cho cả cá nhân bạn và tập thể phòng ban mà bạn trực thuộc, vì đáng ra, bạn đã có thể hỏi sự giúp đỡ thì những người bạn đồng nghiệp làm chung với mình.  

Người Nhật với lòng tự trọng cao rất ngại làm phiền người khác, hay phải nhận sự giúp đỡ của người khác khi bản thân mình có thể tự làm được. Nhưng trong công việc chung của tập thể, họ bỏ qua được cái tôi để hướng tới cái chung to lớn hơn của của tập thể. Đó là điều rất đáng khâm phục và đáng học hỏi cách hành xử mang tính cộng đồng cao đó.

Thể hiện sự tôn trọng thứ bậc

Đối với cấp trên, việc không bỏ về trước còn mang ý nghĩa của sự tôn trọng thứ bậc trong công ty. Không ai cấm bạn về sau khi đã hoàn thành công việc, nhưng nếu các đồng nghiệp, các sếp vẫn còn đang cặm cụi làm việc, trước khi đứng dậy ra về, bạn nên lịch sự hỏi xem thử mình có giúp được gì hay không, nếu không, bạn có thể xin thất lễ về trước. Thực tế, cho dù bạn có đề nghị giúp đỡ, nhưng nếu vẫn còn trong khả năng cố gắng được, các đồng nghiệp cũng sẽ không làm phiền tới bạn.

Nếu hôm đó bạn thực sự phải về, không ở lại giúp mọi người được, thì cũng nên nói rõ, tránh việc đứng lên chào rồi về luôn, sẽ làm cho những người còn lại cảm thấy bị bỏ rơi lại, không được thoải mái, ví dụ như: “Em có việc...., công việc hôm nay cũng đã xong nên xin phép cho em thất lễ đi về trước”. Cũng đừng quên nói câu “Hôm nay mọi người đã vất vả nhiều rồi” với mọi người trong công ty để khép lại một ngày làm việc trước khi đi ra khỏi phòng bạn nhé!

Minh Nhật/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU