Tiếng Nhật có quyết định thành công trong doanh nghiệp?
Bài: Bùi Quỳnh Trang - Đại diện Hiệp hội xúc tiến Quốc tế hoá Nhật Bản JAPI tại Việt Nam
Jan 18, 2019
Ảnh: Pixta
Tiếng Nhật chỉ là phần mềm công cụ hay là yếu tố quyết định khi làm việc trong doanh nghiệp Nhật? Bên cạnh năng lực Nhật ngữ thì người lao động cần có những tố chất nào để tăng giá trị bản thân và thành công…
Q: Có một nghịch lý là hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam không tìm được nhân sự phù hợp mặc dù người Việt biết tiếng Nhật đạt trình độ N1 đang khá nhiều?
A: Từ kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật tuyển dụng nhân sự và kinh nghiệm giúp đỡ các bạn sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tìm việc làm, hơn ai hết, tôi hiểu những khó khăn của doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự người Việt Nam, đặc biệt là khi doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam tuyển dụng nhân sự ở nước sở tại.
Lý do quan trọng nhất ở đây là các bạn trẻ đang nhầm lẫn giữa mục tiêu công việc và công cụ. Hay nói dễ hiểu hơn, các bạn đang lấy tiếng Nhật làm mục tiêu để vào công ty Nhật trong khi cái ngành công ty cần nó không liên quan gì đến cái bạn đã được học. Còn đối với doanh nghiệp Nhật, họ chỉ quan tâm đến chuyên môn của bạn, sẽ giúp ích gì cho sự phát triển của doanh nghiệp? chứ không phải vì năng lực tiếng Nhật của bạn. Tất nhiên, biết tiếng Nhật là một lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, đứng trên góc độ nhà tuyển dụng, tiếng Nhật cũng chỉ được coi là phần mềm công cụ chứ không phải là giá trị cốt lõi. Cốt lõi ở đây là giá trị con người.
Q: Giá trị con người trong doanh nghiệp Nhật Bản được lượng giá như thế nào?
A: Tại sao ở Nhật, tỉ lệ người chuyển việc rất ít vì văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản là càng cống hiến lâu dài cho công ty thì giá trị con người càng tăng lên. Giá trị con người càng được định giá cao đồng nghĩa với mức lương của họ sẽ tăng theo giá trị đó. Và doanh nghiệp Nhật kỵ nhất nhận người đã từng chuyển việc nhiều lần, bởi một lẽ đơn giản là nếu người lao động đã chuyển việc một lần thì sẽ có khả năng chuyển việc lần 2, lần 3, hoặc đến lần n…. Vậy đứng trên cương vị doanh nghiệp, bạn có dám tuyển một người mà họ có khả năng bỏ công ty mình sang nơi khác bất kỳ lúc nào không?
Theo số liệu điều tra của một công ty tư vấn nhân sự, tại Việt Nam tỷ lệ người nhảy việc 19,4%/năm, thuộc tốp rất cao. Đồng thời có một cuộc khảo sát khác cho thấy 74% người Việt Nam ở độ tuổi hai mươi (theo Asia Plus, Inc. vào năm 2014), tức là trong bốn người thì có một người nhảy việc nhiều hơn ba lần. Trong khi ở Nhật Bản, tỉ lệ nhảy việc ở cùng độ tuổi chỉ rơi vào khoảng 14% và giảm mạnh sau độ tuổi 30.
Q: Tại sao người Việt Nam nhảy việc có tỉ lệ cao như vậy?
A: Người lao động Việt Nam có tỉ lệ nhảy việc cao là do phần lớn họ không định hướng rõ ràng cho bản thân mình ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường và thiếu các kỹ năng cần thiết để sinh tồn trong môi trường làm việc khắc nghiệt của doanh nghiệp, đặc biệt với những doanh nghiệp khó tính nhất thế giới như Nhật Bản.
Q: Còn những tính cách nào của người lao động Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao?
A: Người Việt Nam được người Nhật đánh giá ở các đức tính cần cù, siêng năng, sáng tạo. Nên nhiều doanh nghiệp Nhật tin tưởng người Việt Nam có thể cống hiến cho công ty là hoàn toàn dễ hiểu.
Q: Có lẽ chính sự khác biệt trong giáo dục hướng nghiệp Nhật Bản và Việt Nam là nguyên nhân tạo ra văn hóa làm việc khác nhau?
A: Ở Nhật, định hướng nghề nghiệp được đưa vào tất cả các hoạt động giáo dục từ giai đoạn tiểu học đến giai đoạn giáo dục đại học, thông qua các chương trình giáo dục thường xuyên/tự do, giáo dục nghề nghiệp bán chuyên /chuyên nghiệp. Nhờ đó học sinh - sinh viên ở Nhật có được những hiểu biết cần thiết về thế giới công việc cũng như nghề nghiệp trong tương lai; đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về mặt tinh thần cũng như kỹ năng để có thể hoà nhập được vào môi trường làm việc một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Còn ở Việt Nam giáo dục định hướng nghề nghiệp chưa được chú trọng, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn còn rất mơ hồ trong việc tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, các bạn thiếu rất nhiều kỹ năng mềm cần thiết và cả ngoại ngữ chưa thực sự tốt để nhanh chóng hòa nhập môi trường công việc ở doanh nghiệp nước ngoài.
Chính vì thế, lời khuyên của tôi dành với các bạn trẻ Việt Nam muốn làm việc và thành công trong doanh nghiệp Nhật là bên cạnh trình độ tiếng Nhật, năng lực chuyên môn thì các bạn phải tạo giá trị bản thân, phải cống hiến và tận tâm trong công việc thì bạn sẽ nhận lại đúng giá trị bạn đã bỏ ra.
kilala.vn