Tại sao mình rời Nhật sau hơn 15 năm?

Nguồn: Đi làm tại Nhật - VPJAug 10, 2022

Đó là câu hỏi ngay đầu bài của một người làm trong ngành công nghệ tại Nhật. Bài chia sẻ này như một bài học, sự đúc kết trong suốt những năm tháng tác giả trải nghiệm cuộc sống tại xứ người và anh cũng mong rằng những điều này sẽ giúp những bạn đang, đã có ý định đến Nhật có cái nhìn tổng quan trước khi xây dựng cuộc sống và sự nghiệp tại xứ Phù Tang.

* Bài viết dựa trên góc nhìn, trải nghiệm và quan điểm của người viết và được chia sẻ tại group Đi làm tại Nhật - VPJ .

Năm nay mình đã có một quyết định lớn đó là rời Nhật sau hơn 15 năm đi học và đi làm tại đây để qua Mỹ xây dựng một cuộc sống mới. Đây là một bước ngoặt lớn, đánh dấu một chương mới trong cuộc sống của mình. Vậy nên trước khi qua Mỹ và bị cuốn vào sự bận rộn để hoà nhập vào cuộc sống bên kia, mình chia sẻ về lý do mình quyết định rời Nhật để đi Mỹ, những bài học, những đúc kết, và những quyết định quan trọng của mình tại Nhật trong vòng 15 năm qua, với hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp ích được cho những bạn trẻ hơn đang xây dựng cuộc sống và sự nghiệp của các bạn tại Nhật.

công sở Nhật

Ảnh: Tokyoform

Lý do 1: Cơ hội công việc

Mình làm trong ngành IT (cụ thể là tech industry) và mình có niềm đam mê lớn đối với công nghệ. Với mình thì có một công việc thú vị, có những thử thách mới là rất quan trọng. Thế nên mình không thể làm một công việc quá lâu được, mình sẽ thấy nhàm chán và đi tìm một công việc mới.

Hẳn mọi người cũng đều thấy là phần lớn các công ty công nghệ lớn của thế giới đều xuất phát tại Mỹ. Vậy nên số lượng cơ hội để làm cho những dự án công nghệ thú vị ở bên Mỹ nhiều hơn bên Nhật rất nhiều. Mình đang làm cho một công ty tech (công nghệ) của Mỹ, và đã vài lần mình thử ứng tuyển vào các dự án của công ty mình ở bên Mỹ nhưng bị từ chối vì mình ở Nhật, khó làm việc với team bên Mỹ do chênh lệch múi giờ. Đầu năm nay mình cũng bị từ chối như vậy, và điều đó khiến mình nhận ra là đã đến lúc phải rời đi.

công nghệ

Ảnh: Akteos

Lý do 2: Văn hóa

Mặc dù mình học đại học ở Nhật và đã có thời gian rất dài đi làm ở Nhật, mình vẫn thấy văn hoá Nhật có nhiều điểm mình khó có thể thích nghi. Vì mình làm cho một doanh nghiệp của Mỹ (tại Nhật), nên mình có thể sống trong một cái “bong bóng” và không phải tiếp xúc với văn hoá Nhật, thế nhưng sau khi có con, và con mình đi nhà trẻ thì mình nhận ra là mình không thể tránh né được văn hoá Nhật được.

Một số điểm mà mình không thể hòa nhập tại đây:

Mọi người phải giống nhau, không có chỗ cho cái tôi cá nhân

Ví dụ, nhiều bạn đi làm ở Nhật sẽ thấy mình được công ty đào tạo để làm một mắt xích trong cả một bộ máy đồ sộ của công ty. Bạn được dạy để trở nên “giống người Nhật", thay vì được khuyến khích suy nghĩ xem sự khác biệt của mình có thể đóng góp vào cho công việc tốt hơn như thế nào. 

văn hóa công sở tại Nhật

Ảnh: Jopus.net

Từ trải nghiệm của bản thân, mình thấy nhiều thành tích mình có được là nhờ sự khác biệt. Ví dụ, nhờ mình nói được tiếng Anh và có khả năng ăn nói tốt, khác với phần đông kỹ sư IT ở Nhật, nên mình mới trúng tuyển vào vị trí ở công ty Mỹ mình đang làm bây giờ. Vị trí này hồi đó đã đăng tuyển gần 1 năm mà không tuyển được ai, và lương mình tăng gấp đôi so với công việc IT ở một công ty Nhật trước đó. Mình muốn con mình lớn lên trong một môi trường mà nó có thể là chính mình, sẽ phát huy được tất cả những thế mạnh riêng của nó.

Bảo thủ, sợ thay đổi

Điều này chắc không cần giải thích nhiều thì mọi người cũng thấy rõ rồi. Trong công việc, hẳn đã có những lúc bạn hỏi sempai (đàn anh) là tại sao lại làm thế này, và nhận được câu trả lời là “vì lâu nay vẫn làm thế". Khi về Việt Nam, hẳn là bạn đã có những trải nghiệm bất ngờ khi thấy VN thức thời và tiên tiến hơn Nhật. Ví dụ, phần lớn giao dịch ở VN giờ đã không dùng tiền mặt: bạn đi ăn ở những cửa hàng nhỏ... đều có thể thanh toán qua smartphone (điện thoại thông minh) hết. 

sử dụng điện thoại thông minh

Ảnh: Japantimes

Ở Nhật thì mặc dù thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến hơn nhưng cảm nhận của mình là nó vẫn chậm hơn VN vài năm. Mình nghĩ chính vì sự bảo thủ, sợ thay đổi nên kinh tế nước Nhật đã đứng yên tại chỗ 30 năm nay. Mình muốn con mình lớn lên sẽ luôn dũng cảm thử thách những thứ mới, thay vì rập khuôn và đi theo con đường đã định sẵn.

Nhìn một cách toàn diện, điều kiện sống vật chất ở Nhật rất tốt: mọi thứ tiện nghi, khí hậu ôn hoà có 4 mùa, thiên nhiên đẹp, đồ ăn ngon, nhiều chỗ đi chơi, xã hội an toàn. Tuy nhiên, đối với bản thân mình thì điều kiện sống về mặt tinh thần ở Nhật có nhiều điểm không phù hợp với tính cách của mình. Khi quyết định đi Mỹ, mình xác định sẽ đánh đổi những điều kiện vật chất ở Nhật với mong muốn là có được điều kiện tinh thần tốt hơn.

gia đình

Ảnh: istock

Mặc dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau và quyết định này của mình dựa trên những yếu tố hoàn cảnh cá nhân của mình, mình vẫn hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp ích được phần nào cho những bạn đang băn khoăn suy nghĩ giữa việc ở lại Nhật hay rời đi. Điều quan trọng nhất là bạn được làm việc và sinh sống ở nơi bạn cảm thấy thoải mái về mặt tinh thần và phù hợp với cá tinh bản thân.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU