Sổ tay sức khỏe cho người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Bài: Rin
Dec 2, 2022
Nguồn: MHWG, Tuổi Trẻ
Người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc sẽ có thể dễ dàng tự tra cứu kiến thức chăm sóc sức khỏe, tiếp cận dịch vụ y tế với sổ tay sức khỏe vừa được phát hành.
Vào ngày 29/11 vừa qua đã diễn ra cuộc họp kỹ thuật trực tuyến giới thiệu Sổ tay sức khỏe cho người Việt Nam làm việc ở hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc, do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức.
Tính đến tháng 11/2022, lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc là trên 120.000 người, vượt chỉ tiêu đưa ra, trong đó có trên 60.000 người lao động làm việc tại Nhật. Do vậy, cuốn Sổ tay sức khỏe phiên bản song ngữ Việt - Nhật được mong đợi sẽ là tài liệu hữu ích giúp các lao động Việt Nam nhanh chóng hòa nhập cuộc sống ở xứ người.
Được biên soạn và hoàn thành dưới sự tài trợ của Quỹ phát triển, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), cuốn Sổ tay thiết kế dành cho người lao động Việt Nam di cư đang hoặc sẽ làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nội dung cuốn sổ tay gồm 5 chương: Chương 1 - Cách đến phòng khám, bệnh viện và các chính sách của bảo hiểm y tế, Chương 2 - Bệnh truyền nhiễm, Chương 3 - Sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, Chương 4 - Sức khỏe nghề nghiệp, Chương 5 - Sức khỏe tâm thần/ tinh thần.
Cuốn sổ tay được đánh giá dễ tiếp cận bởi đưa ra lời giải thích cho những câu hỏi bám sát thực tế, chẳng hạn như “Tôi lo lắng về vấn đề ngôn ngữ khi đến bệnh viện do khả năng tiếng Nhật của tôi không tốt”, “Tôi bị thương do tai nạn giao thông. Tôi nên làm gì?”, “Có cách nào để giảm chi phí y tế khi khoản tiền thanh toán quá cao?”...
Các số điện thoại, tư vấn khẩn cấp cũng được trình bày đầy đủ để người lao động tại Nhật có thể nhờ trợ giúp những vấn đề mà Sổ tay chưa đề cập được hết.
Tại cuộc họp vào ngày 29/11, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động nước ngoài nhấn mạnh đây là cuốn sổ tay sức khỏe đầu tiên được xây dựng từ ý kiến của doanh nghiệp, người lao động, đối tác nước ngoài. Sắp tới, sổ tay sẽ bổ sung đối tượng lao động đi làm việc ở Đài Loan.
Aiko Kaji, Đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết IOM đã và đang xây dựng các chương trình y tế dự phòng, điều trị y tế toàn diện cho người di cư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền của người lao động trong quá trình di cư.
Để thuận tiện, ngoài bản cứng, người lao động đi Nhật còn có thể tải miễn phí sổ tay bản trực tuyến tại link mhwg.org.vn/vi/so-tay-nhat-ban/.
kilala.vn