Tròn một năm tôi đến Nhật tu nghiệp, đem theo biết bao hoài bão ấp ủ từ thời chỉ biết nhìn ngắm đất nước này qua những tấm tranh, bức ảnh. Quãng thời gian ở Nhật tuy chưa nhiều nhưng ngày qua ngày, trải nghiệm cuộc sống mới lạ, tiếp xúc với nhiều tầng lớp người dân nơi đây, tôi nghiệm cho mình một vài bài học quý báu:
1. Người Nhật họ sống khép kín lắm. Trong các công ty Nhật hầu như không có khái niệm kỳ nghỉ ngắn ngày để tất cả nhân viên đi chơi với nhau như ở Việt Nam. Đồng nghiệp làm chung với nhau hơn mấy chục năm cũng ko biết người đó nhà cửa ở đâu, con cái thế nào, v.v. Tôi hiểu ra rằng người Nhật rất tôn trọng tự do cá nhân nên dù là đồng nghiệp thì cũng chỉ quan hệ trên mặt công việc. Thỉnh thoảng cũng có vài buổi nhậu gọi là họp mặt nhân viên, nhưng chưa chắc đã đông đủ... Nghĩ tới Việt Nam mình, đồng nghiệp mà có gì vui là bu đen bu đỏ, tết nhất lì xì cho nhau, lại còn các chuyến du lịch thường niên để thắt chặt “tình đồng chí”. Tuy vậy, người Nhật vẫn ưa chuộng quà cáp. Tôi vẫn nhận được bánh kẹo mỗi khi có đồng nghiệp nào đó về quê, nhưng sao vẫn thấy nó mang tính lễ nghi quá.
2. Người Nhật làm việc rất cẩn thận, quá trình thực hiện có thể tốn thời gian, nhưng đảm bảo công việc hoàn tất chỉn chu. Có lần sếp giao cho tôi kiểm tra một tập văn bản, sau khi xem xét kĩ càng, tôi giao trả lại cho sếp. Không biết sao sếp kêu kiểm tra lần nữa. Tôi kiểm tra thêm một lần rồi tự tin trả lại cho sếp. Ấy vậy mà một lúc sau, sếp vẫn nhờ tôi kiểm tra lần thứ ba. Lần này thì tôi chỉ xem qua loa rồi trả lại ngay cho sếp. Sếp cười và chỉ cho tôi một chi tiết nhỏ do sếp cố tình thay đổi để thử tính cẩn thận của tôi. Sếp nói nếu làm như vậy với người Nhật, chắc chắn họ sẽ phát hiện ra vì bản chất người Nhật luôn luôn cẩn thận. Tôi ngớ cả người. Từ đó về sau không bao giờ tôi dám chểnh mảng thêm lần nào nữa.
3. Lúc mới vào công ty, tôi được sếp tổ chức tiệc chào đón. Sếp giao cho sếp phó nhiệm vụ “điều tra” sở thích ăn uống của nhân viên mới và sếp phó thì giao lại cho nhóm trưởng để cho gần gũi hơn. Sau khi nhóm trưởng hỏi han từng người, mọi người thống nhất sẽ ăn thịt nướng. Đến lúc ăn thì có một người không ăn được một trong những món đã đặt tiệc, thế là sếp tổng lên tiếng quở trách sếp phó, và sếp phó thì trách nhóm trưởng, làm dàn nhân viên mới ai cũng xin lỗi rối rít. Nghĩ lại cũng thấy hay. Đối với một người sếp như vậy, chắc chắn cấp dưới sẽ rất nể trọng, và dù sếp có nghiêm khắc thì sếp vẫn rất được lòng nhân viên.
Ông bà mình nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Người trẻ ra nước ngoài, điều đầu tiên là nên ghi nhận và học hỏi điểm tốt của người khác để càng ngày càng hoàn thiện bản thân. Như khi ông sếp ở trên thử tôi bằng cái “bẫy” cố tình thay đổi văn bản và lần này bị tôi phát hiện, ông đã buông một câu: “Cậu giống người Nhật rồi đó!”, tôi đã tự hào trả lời rằng: “Dạ không, giống người Việt Nam trong tương lai sếp à”.
Cộng tác viên