Mẹo hay giúp tiết kiệm chi phí cho nữ công sở tại Nhật
Bài: Rin
Jul 14, 2022
Ảnh bìa: laitimes.com
Nguồn: savvytokyo.com
Tiết kiệm tiền khi sống tại Nhật chẳng hề dễ dàng khi có bao nhiêu việc phải chi cùng nhiều thứ hay ho đầy cám dỗ. Nhưng những thay đổi nhỏ dưới đây sẽ có thể mang đến kết quả bất ngờ cho nữ giới đang sinh sống và làm việc ở đất nước mặt trời mọc, hay thậm chí là ở bất cứ đâu.
Nhật Bản được ví như vùng đất của nhiều sự cám dỗ. Từ những Combini có giá cả phải chăng mở cửa 24h đến đa dạng các khu ăn uống, vui chơi giải trí, giao thông công cộng vô cùng thuận tiện..., tất cả góp phần khiến bạn dễ tiêu tiền mà không hề nhận ra.
Dưới đây là 5 mẹo giúp những nữ nhân viên văn phòng đang làm việc tại Nhật Bản có
thể tiết kiệm một khoản tiền mỗi tháng, từ đó từng bước thay đổi
tình hình chi tiêu, hướng đến những kế hoạch lớn hơn trong tương lai.
Tự làm cơm Bento mang đi làm
Việc duy trì mang cơm Bento đi làm mỗi ngày với nhiều người là một thử thách, bởi một số chị em không thích nấu nướng. Tuy nhiên, khi theo dõi tổng chi phí trong vài tháng liên tục, nhiều người nhận ra đã dành gần 5.000 yên cho bữa trưa và đồ ăn nhẹ trong một tuần làm việc, tức là 20.000 yên (khoảng 3.400.000 VND) mỗi tháng.
Để có thể cắt giảm chi phí bữa trưa tại công sở, bạn có thể áp dụng phương pháp “lười biếng” nhưng hiệu quả bằng việc chuẩn bị một lượng lớn thức ăn cho cả tuần vào ngày nghỉ. Cụ thể là nấu vài món ăn có thể bảo quản được lâu với lượng nhiều, chẳng hạn như các món kho, xào, cà ri và cơm... Đồng thời sơ chế trước rau củ và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để có thể dễ dàng hấp, luộc nhanh chóng vào buổi sáng trước khi đi làm.
Không chỉ giúp bạn tiết kiệm chi phí mà việc tự chuẩn bị thức ăn sẽ phù hợp với thể trạng, tốt cho sức khỏe hơn là mua bữa trưa bên ngoài.
Không cần mang giày cao gót mọi lúc
Việc phải mang giày cao gót đi lại cả một ngày khiến chúng dễ hư hao theo thời gian, tiêu tốn của bạn chi phí để sửa từ khoảng 1.500 yên đến 3.000 yên tùy theo mức độ hư hại. Tuy nhiên đó cũng chỉ là biện pháp tạm thời trước khi phải sắm một đôi giày cao gót mới.
Chỉ mang giày cao gót lúc cần là lời gợi ý thích hợp cho tình huống trên. Bạn có thể mang giày bệt đến nơi làm việc, khi đi lại trong văn phòng, hoặc khi tham gia các cuộc họp ít trang trọng rồi đổi sang giày cao gót cho những tình huống bắt buộc.
Có thể để lại một đôi giày cao gót tại văn phòng hoặc mang theo bên mình phòng trường hợp cần thiết. Bên cạnh lợi ích về kinh tế, giải pháp này còn đảm bảo sức khỏe cho đôi chân của bạn.
Chuyển sang mặc những chiếc áo sơ mi không cần ủi
Với những ai không thích phải ngâm quần áo trong chất tẩy rửa quá nhiều hay ngại ủi đồ, việc phải mặc những chiếc áo sơ mi có cổ đi làm quả là ác mộng. Hơn nữa, việc ủi đồ cũng thu hẹp khoảng thời gian rảnh rỗi quý báu của bạn.
Lúc này, một giải pháp đơn giản để giảm chi phí giặt ủi áo sơ mi cũng như tiết kiệm thời gian chính là chọn những chiếc áo sơ mi không cần ủi (ノーアイロンシャツ – Nooaironshatsu). Bạn chỉ cần giặt, treo chúng lên và không cần ủi nhưng vẫn có được chiếc áo sơ mi chuẩn chỉnh để đến công sở. Việc chuyển sang sử dụng loại áo này giúp nhiều phụ nữ tiết kiệm khoảng 20.000 yên chi phí giặt ủi mỗi năm, chưa kể tiền điện.
Mua hàng số lượng lớn
Chẳng hạn, sản phẩm vệ sinh dành cho nữ là một khoản chi tiêu không thể thiếu với phái đẹp, và tại Nhật, mặt hàng này có giá khá đắt đỏ. Mỗi tháng, nhiều người chi khoảng 700 - 1.000 yên cho băng vệ sinh. Nhưng nếu bạn mua những hộp lớn có giá khoảng dưới 800 yên, thì tổng chi phí cho băng vệ sinh một năm chỉ rơi vào tầm 4.000 yên.
Vượt qua cám dỗ mua sắm
Công việc gặp nhiều căng thẳng, bận rộn chăm sóc con cái... thì việc đối xử tốt hơn với bản thân bằng những món đồ nhỏ yêu thích là hoàn toàn hợp lý. Nhưng tại thiên đường mua sắm Tokyo, bạn cũng rất dễ bị cuốn vào "vòng xoáy mua sắm", đôi khi dẫn đến chi tiêu mất kiểm soát.
Khi tinh thần mệt mỏi, khả năng chống lại các cám dỗ trên cũng bị giảm đi rất nhiều. Lúc này, thay vì đi tàu giá rẻ, nhiều người sẽ chọn đi taxi cho tiện lợi, hay mua đồ ăn ở ngoài thay vì tốn công chuẩn bị Bento...
Thực tế là chính những chi tiêu tưởng chừng như nhỏ bé này lại làm “thủng ví” rất nhiều. Những lúc như vậy, bạn cần dừng lại để xem xét tính hữu dụng của món đồ hoặc xem lại bảng chi tiêu tháng. Chẳng hạn, thay vì thói quen uống cà phê mỗi ngày đi làm, bạn có thể thỉnh thoảng thưởng thức để tránh cảm giác thiếu thốn.
kilala.vn