Tâm lý chung khi nghỉ phép dài ngày
Khi làm việc cho công ty nước ngoài, trừ các ngày nghỉ chung ra, hầu như các bạn nhân viên ai cũng ngại xin phép nghỉ dài ngày.
Có rất nhiều lý do giải thích cho việc ngại ngùng này, duy có một lý do mà chỉ các bạn đi làm công ty Nhật mới hiểu, đó là: Trong công ty có sếp Nhật lớn tuổi (đại bộ phận những người thuộc thế hệ của họ vẫn là những người hiếm sử dụng hết các ngày nghỉ của mình trong năm hay thậm chí tự nguyện đi làm trong các ngày nghỉ) nên khi bạn vừa trình bày ý định nghỉ dài này của mình (hơn 3 ngày) bạn đã bị nói ngay “Tôi đi làm mấy chục năm rồi mà có khi nào dám xin nghỉ dài như thế này đâu!” Nghe nói thế thì dễ làm cho bạn cảm thấy cảm giác “tội lỗi” khi “dám” đòi hỏi như vậy. Nhưng được nghỉ đủ ngày phép năm là quyền lợi của người lao động.
Vậy phải làm thế nào để vừa thực hiện được quyền lợi của mình, vừa không làm phật lòng sếp?
Thực ra, không phải sếp “ki bo” ngày nghỉ với bạn, chẳng qua là người sếp nào, hay thậm chí cả đồng nghiệp của bạn, cũng lo sợ việc nhân viên nghỉ phép dài ngày không có người làm thay thế, hay có tình huống xảy ra thì không đối ứng kịp, công việc bị ứ nghẽn lại mà thôi.
Nắm bắt được tâm lý này, thay vì đột ngột xin nghỉ phép dài ngày, bạn nên thảo luận trước với các đồng nghiệp của mình, xem thử việc nghỉ nghỉ phép dài ngày như vậy có ảnh hưởng gì đến công việc của đội, nhóm của bạn hay không, các công việc nào đang tiến hành mà không thể không có bạn tham gia. Trường hợp có những công việc chỉ có một mình bạn phụ trách, bạn phải kiếm người có thể tạm thời thay thế bạn, chuẩn bị các kế hoạch phòng hờ lỡ có sự vụ gì xảy ra trong thời gian bạn nghỉ phép,... Bạn nên đảm bảo mình có được sự hỗ trợ hoàn toàn từ phía đồng nghiệp, tránh tối đa việc gây ảnh hưởng đến họ và tiến độ chung.
Tiếp theo là làm việc với bộ phận nhân sự. Sau khi biết chắc mình sẽ được sự hỗ trợ của đồng nghiệp cũng như việc nghỉ phép dài ngày của mình không ảnh hưởng đến công việc chung, bạn nên báo với bộ phận nhân sự về ý định xin nghỉ phép của mình để được tư vấn và xác nhận lại chính xác các quy định liên quan đến ngày nghỉ phép trong năm, số ngày phép còn lại của mình, công ty có quy định mỗi lần được lấy bao nhiêu ngày hay không, bạn có thể xin thêm ngày nghỉ không lương hay không,...
Trước khi sếp đồng ý đề nghị của bạn, thể nào sếp cũng sẽ phải xác nhận với bộ phận nhân sự trước. Vì vậy, bằng việc báo trước này, bạn có thể tránh phải chờ đợi lâu để nhận sự phản hồi từ bộ phận nhân sự và đảm bảo không có trở ngại gì về mặt quy định trong công ty.
Sau cùng mới là sếp. Thay vì trình bày bằng lời nói không thôi, để cho rõ ràng và dễ hiểu, bạn có thể tóm tắt rõ ràng:
- Mục đích xin nghỉ phép dài ngày
- Số ngày nghỉ còn lại của bạn trong năm
- Số ngày xin nghỉ lần này, từ ngày mấy đến ngày mấy
- Công việc đang làm, ai là người thay thế trong thời gian bạn nghỉ phép,...
Hãy trình bày trên một mặt giấy và đưa cho sếp xem trong khi giải thích rõ ràng cho sếp, không quên nhấn mạnh việc bạn đã báo cáo với bộ phận nhân sự ra sao, ý kiến phản hồi thế nào, việc bạn đã bàn bạc với đồng nghiệp, đảm bảo với sếp việc mình nghỉ phép lần này không gây ảnh hưởng lớn tới công việc và tiến độ chung,...
Với một người nhân viên biết nghĩ trước nghĩ sau như thế, chuẩn bị kĩ lưỡng như thế, thực sự hiếm có người sếp nào có thể nói không với đề nghị của bạn.
Minh Nhật / kilala.vn