Ijime - bắt nạt công sở và cách hóa giải

Bài: ROAN
May 2, 2020

Ảnh: PIXTA

Ijime (いじめ)  nghĩa là bạo hành, bắt nạt, ức hiếp lẫn nhau. Đây là vấn nạn nhức nhối đã tồn tại rất lâu trong xã hội Nhật. Trong công sở, người có địa vị cao bắt nạt người có địa vị thấp; nhân viên cũ bắt nạt nhân viên mới… Chính sự ức hiếp không chỉ về thể chất và tinh thần này khiến nhiều nạn nhân bị rơi vào thế cô lập, mất phương hướng, nặng nề hơn là có ý định tự sát. Đã đến lúc đứng lên bảo vệ chính mình và xây dựng một môi trường công sở lành mạnh!

Nguyên nhân của vấn nạn Ijime tại công sở

Đặc trưng văn hóa – xã hội và tính cách dân tộc Nhật quá đề cao thứ bậc, đề cao tôn ti trật tự, khó chấp nhận sự dị biệt là nguyên nhân sâu xa nhất. Ở công sở, nguyên nhân của vấn nạn Ijime có thể gói gọn trong ba điểm:

Thiếu giao tiếp: Việc ít giao tiếp với nhau sẽ dần hình thành một bức tường chắn trong mối quan hệ. Mọi người thường có xu hướng cảnh giác với những người họ không biết và có tâm lý muốn tách biệt khỏi họ. Điều này dẫn đến bắt nạt trong công sở.

Khác biệt trong năng lực làm việc: Khả năng của mỗi người là khác nhau và luôn tồn tại ưu – khuyết điểm. Nếu bạn không nhìn thấy điểm mạnh của họ, bạn sẽ chỉ toàn tập trung vào điểm yếu. Chính sự không hài lòng về điểm yếu đó, vô hình trung tạo ra mâu thuẫn.

Không thích ứng được với văn hóa công ty: Mỗi công ty có một văn hóa riêng, những người không thích ứng được với văn hóa ấy ít nhiều sẽ có tâm lý tách biệt khỏi đám đông. Họ chính là “cái gai” mà những kẻ bắt nạt sẽ thẳng tay loại bỏ.

ijime

Các kiểu bắt nạt tại công sở

Bắt nạt qua công việc: Đẩy hết mọi việc của bản thân qua cho người khác; bắt buộc nạn nhân phải làm thêm giờ khiến họ không thể hoàn thành công việc của mình.

Bắt nạt về thể chất lẫn tinh thần: Dùng những từ ngữ miệt thị, mắng nhiếc với ý tiêu cực rằng người đó không có năng lực, không giỏi giang… Hoặc trực tiếp dùng bạo lực tác động đến cơ thể.

Quấy rối tình dục: Đồng nghiệp có hành động cố ý động chạm cơ thể, tấn công bằng các lời nói khiếm nhã.

Tiết lộ bí mật riêng tư: Khi vô tình tâm sự một bí mật riêng với đồng nghiệp và chính họ đã tiết lộ điều đó có chủ ý với tất cả mọi người.

Cắt/giảm lương: Công ty chi trả lương quá thấp so với khả năng lao động hoặc tiền làm thêm giờ của bạn là con số 0 chỉ vì bị sếp ghét bỏ.

ijime

Hóa giải các chiêu bắt nạt

Ở Nhật, có một lý thuyết 4 tầng chỉ ra mối quan hệ trong một vụ bắt nạt công sở gồm có: nạn nhân, kẻ bắt nạt, bè phái của kẻ bắt nạt và những người không quan tâm. Nhìn vào đó, dễ thấy rằng một khi nạn nhân đã rơi vào vòng bắt nạt, sẽ không dễ đứng lên phản kháng hoặc tìm được sự hỗ trợ từ những người xung quanh. Nhưng nếu cứ im lặng, vấn nạn này sẽ còn diễn tiến đáng sợ hơn.

Thay đổi suy nghĩ của chính mình: Trong công sở sẽ không khó tránh khỏi những mối quan hệ căng thẳng. Thay vì cứ lo lắng về ý nghĩ của người khác, hãy thay đổi suy nghĩ của chính mình. Cứ làm việc chăm chỉ rồi bạn sẽ được cấp trên khen thưởng.

Tâm sự với người “lạ”: Dĩ nhiên là những người ngoài công ty bạn và họ phải là người thân cận và đáng tin cậy nhất. Hãy giải thích các mối quan hệ trong công ty một cách dễ hiểu. Người đó sẽ chỉ ra vị trí của bạn một cách khách quan và giúp bạn sắp xếp lại tâm trí của mình.

Thay đổi môi trường làm việc: Nếu tất cả mọi cách làm trên đều không giải quyết được, hãy nghĩ đến việc nghỉ việc! Bởi không còn cách giải quyết nào tốt hơn việc tự giải thoát chính mình khỏi một nơi vốn không thuộc về. Nhớ tham khảo kĩ các yêu cầu cần thiết để quá trình nghỉ việc được suôn sẻ.

ijime

kilala.vn

Ở Nhật, nếu công ty nào có vấn nạt bắt nạt Ijime thì không chỉ kẻ bắt nạt mà cả công ty cũng phải chịu phạt nặng. Nhưng có lẽ đây là văn hóa đã hằn sâu nên không dễ xóa bỏ được. Hãy ghi nhớ, mạnh mẽ chính là điều quan trọng nếu muốn tồn tại trong bất cứ xã hội nào. Chỉ khi dũng cảm đứng lên và đối mặt, bạn mới có thể giải thoát cho chính mình!

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU