1. Thời điểm hỏi
Đừng lựa lúc sếp đang bận, đang vội đi ra họp, hay chuẩn bị đi về mà hỏi bởi không chỉ riêng sếp mà đó là tâm lý con người nói chung, phần đang bị phân tâm bởi việc khác, phần không có thời gian suy nghĩ trả lời cho câu hỏi của bạn, nên việc bạn bị sếp (thậm chí ngay cả đồng nghiệp của bạn) khó chịu hoặc trả lời qua loa cũng là điều chẳng có gì ngạc nhiên.
Trường hợp sếp cứ bận đi họp hoặc đi ra ngoài liên tục không có ở văn phòng mà bạn đang sốt ruột muốn hỏi càng sớm càng tốt, thì nên nói trước với sếp rằng mình có chuyện ABC muốn hỏi ý kiến sếp, khi sếp về lại văn phòng thì cho mình xin chút thời gian để trình bày. Như vậy, có khả năng sếp sẽ nói bạn trình bày ngay lúc đó luôn hoặc cho bạn một cái hẹn, để đến khi bạn quay trở lại thì sếp cũng đã có sự chuẩn bị tinh thần việc bạn đang muốn nói, muốn hỏi, tránh gây tâm lý bị động, tạo cho sếp điều kiện thuận lợi để trả lời câu hỏi của bạn. Cách hỏi này cũng giống như maeoki đã trình bày trong Kilala Vol.14, các bạn đọc thêm để tham khảo nhé!
2. Cách đặt câu hỏi
Lấy ví dụ cụ thể, khi có sự cố DEF xảy ra, cách hỏi gây khó chịu nhất là “Về vấn đề DEF ngày hôm qua, giải quyết như thế nào thì được hả sếp?”
Tốt hơn, bạn nên hỏi “Về vấn đề DEF ngày hôm qua, em thấy có hai phương án. Một là,... Hai là,... Theo sếp thì phương án nào tốt hơn?”
Nhưng tốt nhất vẫn là “Về vấn đề DEF ngày hôm qua, em thấy có hai phương án. Một là,... Hai là,... Theo cá nhân em, em chọn giải quyết theo phương án... Lý do là... Sếp thấy thế nào, xin sếp cho em ý kiến.”
Như vậy, sếp vừa hiểu rõ được vấn đề vừa có tâm lý thoải mái để dễ dàng đưa ra ý kiến, lời khuyên cho bạn, đồng thời bạn vừa thể hiện được cho sếp năng lực giải quyết tình huống, sự chuẩn bị kĩ lưỡng, chu đáo và khả năng làm việc tự chủ, năng động của mình.
Bạn thấy đấy, cùng một nội dung, nhưng cách lựa chọn thời điểm và cách sắp đặt câu hỏi sẽ làm tình huống khác nhau nhiều lắm đấy!
Minh Nhật/kilala.vn