Nếu xem các chương trình văn hóa, giáo dục, nghệ thuật như một sự đầu tư thì đây là cuộc đầu tư đầy vất vả. Đặc biệt thành quả không thể hiện qua giá trị vật chất, mà qua sự gắn kết ngày càng sâu đậm giữa các quốc gia, sự mở mang trí tuệ thông qua các hoạt động văn hóa, giáo dục, nghệ thuật,... Ông Toshiki Ando – GĐ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (trực thuộc Japan Foundation) đã chia sẻ với Kilala về câu chuyện của những “nhà đầu tư” văn hóa trên đất Việt suốt gần 10 năm qua.
Văn hóa giữa hai nước Việt – Nhật có nhiều nét tương đồng. Theo ông, đó có phải là lợi thế cho các hoạt động của Japan Foundation tại Việt Nam?
Hầu hết mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa đều có những khởi đầu dễ dàng, nhưng cũng vì sự tương đồng đó nên chúng tôi luôn phải cẩn trọng khi chọn các đề tài sao cho phù hợp với nhu cầu, kể cả việc tôn trọng quy định, quy tắc về luật lệ ở Việt Nam. Một điểm lợi khác cho chúng tôi là có nhiều người Việt quan tâm đến văn hoá Nhật. Về lĩnh vực giáo dục, hiện chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng các chính sách phát triển tiếng Nhật, đây cũng là một thế mạnh của Japan Foundation để đưa ra những chương trình hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam. Bên cạnh đó mối quan hệ ngoại giao, kinh tế Việt – Nhật đang ngày càng phát triển, tạo đà cho các hoạt động của chúng tôi phát triển theo. Tuy nhiên chúng tôi cũng vướng không ít khó khăn, bởi Nhật Bản cũng là một quốc gia có những khiếm khuyết riêng. Quan trọng nhất là cần hiểu và khắc phục được những yếu điểm để xây dựng mối quan hệ ngày càng bền chặt hơn giữa hai nước.
Trong các hoạt động “Giao lưu văn hóa – nghệ thuật”, “Giáo dục tiếng Nhật”, và “Giao lưu trí tuệ – nghiên cứu Nhật Bản”, lĩnh vực nào đang được người Việt quan tâm nhiều nhất?
Chính sách Việt Nam hiện đang ưu tiên nhiều cho phát triển giáo dục, và hoạt động trọng tâm của chúng tôi cũng là phát triển giáo dục tiếng Nhật. Hiện nay Việt Nam đang có khoảng 10.000 học sinh trung học đang học tiếng Nhật, do đó chúng tôi vẫn đang nỗ lực xây dựng các giáo trình giúp học sinh thêm hứng thú khi học tiếng Nhật, tổ chức hoạt động hỗ trợ nâng cao kỹ năng truyền dạy cho giáo viên. Từ năm 2014, chúng tôi triển khai chương trình "Cộng sự tiếng Nhật", nhằm giúp các em học sinh có cơ hội giao lưu với người Nhật. Hiện có 14 giáo viên người Nhật đến các tỉnh thành của Việt Nam tham dự lớp học, trao đổi với học sinh. Ngoài ra, các cộng sự này còn cung cấp thông tin mới nhất về Nhật Bản cho giáo viên bản địa để nâng cao kiến thức. Đến tháng 8/2016, số lượng này sẽ tăng đến 27 người.
Trong lĩnh vực giao lưu văn hóa thì có hoạt động nổi bật là "Liên hoan phim Nhật" được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM vào mùa thu hàng năm, giới thiệu đến khán giả Việt những bộ phim Nhật mới nhất.
Ngày càng có nhiều người Việt Nam học – hiểu tiếng Nhật, chắc hẳn trong giáo trình tiếng Nhật của Japan Foundation cũng có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu hiện tại?
Chúng tôi biên soạn ra giáo trình có tên gọi "Marugoto" (ngôn ngữ và văn hóa). Với quan niệm "đầu tư về ngôn ngữ cũng chính là quá trình học hỏi về văn hóa", chúng tôi xây dựng các chương trình giúp học sinh vừa học tiếng, đồng thời vừa tạo cơ hội cho các em trải nghiệm văn hóa. Học sinh có thể học hiểu các từ chuyên môn, nhưng khi được trải nghiệm thực tế thì sẽ nắm bắt bài học nhanh hơn. Chẳng hạn chúng tôi mở các giờ học tiếng Nhật thông qua môn võ Karate, qua giờ học làm bánh Mochi, viết thư tay bằng tranh vẽ,... Đây là những nét văn hóa đặc trưng trong xã hội Nhật Bản được chúng tôi đưa vào giáo trình dạy ngôn ngữ tại Việt Nam.
Qua các chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật do Japan Foundation thực hiện, ông ấn tượng nhất về điều gì?
Có rất nhiều nghệ sĩ Nhật Bản chưa biết nhiều về Việt Nam, nên trước khi biểu diễn, họ rất lo lắng vì sợ những khác biệt về phong cách, ngôn ngữ, nét văn hóa bản địa sẽ không hấp dẫn khán giả. Nhưng khi diễn xong, các nghệ sĩ luôn bất ngờ bởi được khán giả Việt Nam đón nhận nhiệt tình. Tôi xem đó là một sự thành công. Nhờ tạo được ấn tượng tốt đẹp giữa nghệ sĩ và khán giả mà nhiều nghệ sĩ Nhật đã tiếp tục trở lại Việt Nam để biểu diễn.
Rất nhiều chương trình văn hóa Việt – Nhật do Japan Foundation tổ chức có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ, đậm chất đương đại, phải chăng đó chính là hướng đầu tư dài hạn cho cầu nối văn hóa giữa hai nước?
Việt Nam đang có một thế hệ các bạn trẻ năng động, nhiệt huyết, hoạt động hăng hái trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động giúp người trẻ phát huy tối đa khả năng họ có được trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu liên quan giữa hai nước Việt – Nhật. Hiển nhiên đó là một sự đầu tư dài hạn, cho hiện tại và cả tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng còn rất nhiều hoạt động dành cho người chuyên nghiệp, kỳ cựu, có chuyên môn và đẳng cấp cao để các hoạt động giao lưu luôn mang nhiều cung bậc thú vị.
Ở lĩnh vực “Giao lưu trí tuệ – nghiên cứu Nhật Bản” đòi hỏi tính chuyên môn cao, xin ông cho biết các mảng đề tài nào sẽ được Japan Foundation chú trọng và phát triển trong tương lai?
Chúng tôi đã và đang hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn học, lịch sử, quan hệ Việt – Nhật. Thời gian tới chúng tôi sẽ chú trọng đến các đề tài nghiên cứu về vệ sinh an toàn thực phẩm, về lĩnh vực kinh tế - đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lĩnh vực nghiên cứu cũng sẽ mở rộng không chỉ là quan hệ Việt – Nhật mà còn với các nước trên thế giới.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!
Nguyễn Đình/ kilala.vn