Bình đẳng giới trong môi trường công sở Nhật Bản
Bài: Minh Nhật
May 28, 2020
Ảnh: PIXTA
Bình đẳng giới: thực trạng đáng buồn qua các số liệu thống kê
Các cấp nhân sự trong một doanh nghiệp thường được chia ra một cách tương đối như sau: nhân viên (staff), quản lý (manager), leader/director (lãnh đạo). Nhân sự lãnh đạo chủ chốt đang đề cập đến là đối tượng nhân sự cao cấp từ cấp quản lý trở lên, tức là từ trưởng phòng đến giám đốc ở các công ty, tổng công ty hoặc một tập đoàn.
Nhân sự lãnh đạo chủ chốt tuy chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ trong tổng số nhân sự nhưng mang trọng trách xây dựng chiến lược kinh doanh của công ty, theo dõi việc hoạt động và vận hành, quyết định đường hướng phát triển cho toàn bộ doanh nghiệp. Vào năm 2019, tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí này tại Nhật chỉ có 5,2% trong tổng số 500 công ty hàng đầu đã lên sàn chứng khoán. Từ 1,6% vào năm 2012, tỷ lệ này đã tăng lên đến 3,4 lần trong 7 năm, thế nhưng con số này hiện vẫn còn quá thấp. Điều này càng được thấy rõ khi so sánh với doanh nghiệp tại các nước phát triển khác tại thời điểm năm 2017 như Pháp là 43%, Na Uy 42%, Thụy Điển 36%, Italia 34% và Đức 32%.
Nỗ lực của chính phủ Nhật: có nhưng chưa đủ?
Hàng chục năm nay, chính phủ Nhật đã có nhiều chính sách kêu gọi, nâng cao nhận thức về việc bình đẳng giới cũng như tạo thêm điều kiện để phụ nữ được tham gia nhiều vào các hoạt động của xã hội, đi làm tại các doanh nghiệp chứ không chỉ có tập trung vào chuyên môn là tề gia nội trợ, cho dù đó có là một nghề được ghi nhận trong xã hội Nhật Bản.
Hiện nay, ngày càng có nhiều gia đình hạt nhân – tức gia đình chỉ gồm hai thế hệ là cha mẹ và con cái. Khi một đứa trẻ sinh ra đời, người phụ nữ phải nghỉ ở nhà để dành toàn thời gian chăm sóc, sau đó nữa là nhờ vả đến hệ thống nhà trẻ, nhà mẫu giáo để có thể quay lại công việc. Nói là công việc, nhưng trước khi trẻ vào tiểu học, phụ nữ Nhật thường có xu hướng đi làm các công việc mang tính chất ngắn hạn, hợp đồng để có thể linh động trong các trường hợp đột xuất liên quan đến con cái. Sự linh động này càng nhiều, đồng nghĩa với việc gắn bó chặt chẽ, tập trung với một công việc lâu dài, đó là chưa kể đến các vị trí trọng trách trong doanh nghiệp càng trở nên “lỏng lẻo” hơn với chị em phụ nữ.
Nếu một người phụ nữ đi xin việc, chắc chắn họ sẽ bị xoay giữa hàng loạt các câu hỏi mà bộ phận nhân sự hỏi thẳng không một chút ngại ngần. Cụ thể, nếu bạn là sinh viên mới ra trường: “Bạn có dự định kết hôn chưa? Khi nào? Kết hôn xong có nghỉ việc không?”. Còn nếu bạn đã kết hôn (mục này phải ghi rõ trong đơn xin việc): “Bạn có em bé chưa?”, “Chưa có à, vậy khi nào dự định có em bé?”, “Có em bé xong có nghỉ việc không?”. Nếu bạn đã có một bé: “Bạn có dự định có thêm em bé nữa không?”, “Bạn có chắc là bạn làm được 2 – 3 năm ở đây rồi mới nghỉ sinh chứ?”.
Điều này cũng hoàn toàn có thể hiểu được. Vì đứng trên phương diện doanh nghiệp, để đảm bảo doanh nghiệp được vận hành một cách ổn định, hiệu quả, bạn cần sự ổn định về mặt nhân sự trước tiên. Thế nhưng trong bối cảnh xã hội Nhật Bản, khi mà hiện trạng phụ nữ sẽ nghỉ việc sau khi kết hôn hoặc sau khi có em bé đã trở thành một điều gần như là đương nhiên, thì việc để phụ nữ đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong công ty cũng trở nên phi hiện thực. Bởi các vị trí lãnh đạo chủ chốt, từ các cấp trưởng phòng, kế toán trưởng, đến giám đốc tài chính, giám đốc vận hành, tổng giám đốc,... đều đòi hỏi thời gian và sự chuyên tâm vô cùng lớn. Đây là điều mà một bà mẹ có con nhỏ sẽ rất khó để đạt được nếu muốn chu toàn cả việc chăm sóc con cái lẫn việc ở công ty.
Có lẽ vì vậy mà ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản không còn thiết tha đến việc sinh con, thậm chí là yêu đương rồi kết hôn. Không hiếm gặp những phụ nữ trẻ thành đạt cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, làm việc chăm chỉ để kiếm tiền rồi hưởng thụ mà không cần dựa vào phái mạnh. Có thể nói, đây cũng là một trong những lí do trọng yếu khiến cho vấn đề già hóa dân số ở Nhật Bản không thể giải quyết một cách triệt để.
kilala.vn