80% công ty lớn ở Nhật cho phép nhân viên làm công việc thứ hai

Bài: Rin
Aug 17, 2022

Nguồn: Asahi

Trong bối cảnh môi trường làm việc tại Nhật đang thay đổi, ngày càng nhiều công ty cho phép nhân viên của mình làm thêm nghề phụ và xem nó như động lực thúc đẩy tinh thần cho cả nhân viên lẫn doanh nghiệp. 

Một khảo sát của Asahi Shimbun trên 100 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã thu về kết quả rất bất ngờ khi 81% trả lời rằng không có vấn đề gì khi nhân viên kiếm thêm nguồn thu nhập thứ hai, miễn sao họ thông báo hoặc xin phép trước với công ty để tránh xảy ra xung đột lợi ích.

Cuộc khảo sát dưới hình thức bảng câu hỏi cho thấy 31 công ty đồng ý rằng tất cả các nhân viên nộp đơn xin nghỉ phép để làm việc ở bên ngoài nên được chấp thuận. Trong khi đó, 50 công ty còn lại cho phép nhân viên làm vậy ở mức độ cơ bản. 

công ty bảo hiểm sompo nhật bản
Trụ sở chính của công ty bảo hiểm Sompo Nhật Bản tại quận Shinjuku, Tokyo. Ảnh: Asahi 

Nhiều nhà tuyển dụng tại Nhật xem quy định này như một tiêu chuẩn mới và cho biết nó tạo hiệu quả cho sự phát triển của cả nhân viên lẫn doanh nghiệp. Hệ thống công việc phụ đã chính thức ra mắt ở một số công ty Nhật, sau khi đại dịch gây ra những chuyển biến sâu rộng trong công việc và cuộc sống của mỗi người. 

Vào tháng 12/2021, công ty Sompo Japan Insurance Inc., có trụ sở tại Tokyo đã triển khai chương trình tư vấn nội bộ cho những nhân viên muốn tìm kiếm công việc phụ. Hơn 70 nhân viên đã nhận được lời khuyên về cách tận dụng tốt nhất kỹ năng hiện có của bản thân cho những việc khác bên ngoài văn phòng. 20 trong số những người tham gia chương trình đã bắt đầu kinh doanh thêm bên cạnh công việc chính. 

nhân viên sompo nhật bản
Sompo Nhật Bản cho phép nhân viên làm thêm công việc phụ. Ảnh: gallery.tonari.no

Một số nhân viên muốn tận dụng giấy phép và bằng cấp mà họ có được khi làm việc tại công ty để trở thành nhân viên tư vấn bảo hiểm xã hội hoặc nhân viên chăm sóc trẻ. Một nhân viên với chuyên môn về bảo hiểm xe ô tô thì viết báo cho một tạp chí chuyên về ô tô. Miễn là nhân viên có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao ở công ty, họ hoàn toàn được tự do sử dụng thời gian còn lại để làm công việc khác. 

Takeshi Nakamatsu, Trưởng bộ phận nhân sự tại Sompo bày tỏ: “Làm việc từ xa đang ngày càng phổ biến do tác động của đại dịch. Việc tốn ít thời gian để di chuyển đến nơi làm đã giảm bớt trở ngại khi làm công việc thứ hai, không chỉ với bản thân nhân viên, mà còn với chính đơn vị thuê lao động”. 

Khi nhân viên vừa đảm nhận công việc chính, vừa làm công việc phụ, Nakamatsu quan sát và cho biết chưa ghi nhận trường hợp xuất hiện kết quả bất lợi, chẳng hạn như làm việc tăng ca. Hơn nữa, nhờ vào mối quan hệ giữa nhân viên với các cá nhân bên ngoài công ty mà bản thân công việc chính cũng được cải thiện đáng kể, với việc mở rộng thêm các mối quan hệ trong kinh doanh. 

công ty bảo hiểm Tokio Marine
Trụ sở công ty bảo hiểm Tokio Marine ở Tokyo (tòa nhà màu nâu). Ảnh: japantimes.co.jp

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác là Tokio Marine Holdings Inc., vào tháng 01/2021 cũng đưa ra quyết định rằng việc cho phép nhân viên làm công việc phụ trong thời gian rảnh rỗi ở công ty sẽ được điều phối bởi từng bộ phận và chi nhánh, thay vì trụ sở chính.

Theo đó, số lượng nhân viên tham gia chương trình này đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, lên đến 200 người. Một nhân viên ở Tokio Marine đã làm giảng viên bán thời gian tại một trường cao đẳng, người khác kiếm thêm thu nhập thông qua kiến thức chuyên môn về marketing và phát triển ứng dụng. 

Khảo sát của Asahi Shimbun cũng đã hỏi các nhà tuyển dụng về tỉ lệ nhân viên làm công việc thứ hai, theo đó, trong nhiều trường hợp, con số này vào khoảng 1%. Trong số các công ty được khảo sát, hãng hàng không ANA Holdings Inc., ghi nhận tỷ lệ cao kỷ lục với 18%. 

ANA đã bắt đầu áp dụng chính sách làm việc bên ngoài công ty vào năm 2020 khi cho phép nhân viên ký hợp đồng với các doanh nghiệp khác. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà một nửa tiếp viên hàng không của họ bị giảm giờ làm việc.

Một đại diện của ANA cho biết với thay đổi trên, nhiều tiếp viên đã tận dụng thời gian trống để làm việc tại các quầy tiếp tân của trung tâm y tế, văn phòng luật sư hay kế toán thuế. Số khác thì tham gia đào tạo cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng tại các công ty. Đại diện nói thêm: “Hiện tại đã có nhiều lựa chọn hơn khi theo đuổi phong cách làm việc linh hoạt, giúp nhân viên có thể đảm bảo dành đủ thời gian cho công việc phụ của họ”. 

tiếp viên hàng không của hãng ANA Nhật Bản
Nữ tiếp viên hàng không của hãng ANA Nhật Bản. Ảnh: japantimes.co.jp

Một số công ty nằm trong 100 doanh nghiệp được khảo sát cũng đang khuyến khích nhân viên làm công việc thứ hai ngay tại công ty. Nhà sản xuất văn phòng phẩm Kokuyo Co., vào năm 2020 đã khởi động chương trình 20%, cho phép nhân viên dành 1/5 ca làm việc để góp sức cho các bộ phận khác trong nội bộ doanh nghiệp.

Naoki Tani, người đứng đầu trung tâm nghề nghiệp của Kokuyo cho biết: “Nhân viên được trao nhiều cơ hội để cân nhắc cách làm việc nhằm phát triển năng lực bản thân. Tương tự như vậy, các dự án thành công ở những bộ phận khác mà họ đảm nhiệm cũng giúp ích cho công việc chính của họ”. Hiện tại, hệ thống công việc phụ nội bộ tương tự như trên cũng đã có mặt tại Tokio Marine và Sompo Japan Insurance. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU