Tại Nhật Bản, món ăn không chỉ cần ngon miệng, đẹp mắt mà còn thông qua đó thể hiện sự tinh tế, chu đáo đối với từng thực khách. Và Wanko Soba, món mì được phục vụ thành nhiều chén nhỏ là một ví dụ.
"Wanko – わんこ" nghĩa là cái chén nhỏ, "Soba – そば" là một loại mì với thành phần chính là bột kiều mạch. Như vậy, "Wanko Soba – わんこそば" là món mì Soba được chia thành nhiều chén nhỏ giống nhau. Điều đặc biệt là mỗi bát chỉ chứa một phần mì nhỏ vừa đủ ăn hết trong một gắp đũa. Mỗi khi ăn hết một bát, nhân viên sẽ tiếp thêm cho bạn phần mì mới với lượng tương đương. Bạn có thể gọi thêm không giới hạn số lần và ngừng ăn bất cứ khi nào mình muốn.
Vì sao Wanko Soba lại được chia ra làm nhiều chén nhỏ thay vì ăn trong tô với khẩu phần như bình thường? Cách thưởng thức này bắt nguồn từ một phẩm chất đặc trưng nổi tiếng của người Nhật, đó là Omotenashi – lòng hiếu khách. Vậy cụ thể Omotenashi có liên quan như thế nào với cách ăn này?
Vùng đất khai sinh ra món mì Wanko Soba
Wanko Soba có liên quan gì đến Omotenashi?
Ngày xưa ở Iwate thường tổ chức các yến tiệc linh đình với quy mô lớn lên đến hàng trăm người tham dự. Mì Soba là một món hầu như luôn góp mặt trong danh sách thực đơn lúc bấy giờ, nhưng số lượng người tham gia quá lớn nên đầu bếp đã không thể chuẩn bị kịp cho tất cả mọi người trong cùng một lúc.Giả sử có 100 thực khách, nếu nấu với khẩu phần lớn bình thường, người đầu bếp sẽ cần phải nấu 100 tô. Cho dù sử dụng một chiếc nồi lớn cũng chỉ có thể tối đa nấu được 10 tô một lần, như vậy, 90 người còn lại sẽ phải chờ đợi. Nếu mọi người muốn ăn cùng nhau sẽ phải chờ rất lâu, và khi nấu được đủ 100 tô thì có lẽ những tô đầu tiên cũng đã nguội lạnh.
Do đó, các đầu bếp đã nghĩ ra cách là chia 10 tô đầu tiên thành 100 phần nhỏ và phục vụ cho tất cả thực khách. Trong thời gian thực khách vừa ăn vừa trò chuyện, họ sẽ tranh thủ nấu 10 tô tiếp theo và lại chia ra thành 100 phần nhỏ. Bằng cách này, có thể đảm bảo tất cả mọi người đều được thưởng thức cùng lúc trong khi mì còn nóng.
Có thể thấy món mì Wanko Soba được xuất phát từ sự tỉ mỉ, chu đáo của đầu bếp và những người phục vụ. Họ luôn đặt bản thân vào cảm nhận của thực khách, hiểu được mong muốn ăn cùng nhau và ăn khi còn nóng, do đó đã nghĩ ra cách độc đáo như vậy để chuẩn bị món ăn. Dù người phục vụ sẽ rất bận rộn, nhưng về phía thực khách, chắc hẳn họ sẽ cảm thấy mình được trân trọng rất nhiều.
Không khí trong một bữa ăn Wanko Soba
Nếu bạn chưa từng thưởng thức món mì này, nhân viên phục vụ sẽ sẵn lòng hướng dẫn cho bạn.
Đầu tiên, bạn cần ra hiệu bắt đầu ăn bằng cách mở nắp chén. Khẩu phần của 15 chén sẽ tương đương với một tô mì bình thường. Bạn có thể húp nước mì, nhưng nếu húp quá nhiều sẽ nhanh no và không thể thưởng thức thêm. Thay vào đó, bạn có thể đổ phần nước dùng còn dư vào thùng gỗ bên cạnh. Việc làm này sẽ giúp các chén có thể dễ dàng chồng lên nhau, bàn ăn trở nên gọn gàng hơn, và nhất là bạn cũng sẽ biết được mình còn lại bao nhiêu chén chưa thưởng thức. Khi muốn kết thúc bữa ăn, hãy đậy nắp chén lại, đó là dấu hiệu để nhân viên biết và không lên thêm mì.
“Hai, janjan!” hoặc “Hai, dondon!” – những câu ngân nga cửa miệng to rõ của cô nhân viên nhằm tương tác và cổ vũ thực khách sẽ khiến bữa ăn thêm phần sôi nổi. Với những ngày vắng khách, nhân viên và thực khách có thể tương tác 1-1 nhưng những ngày đông khách thì 1 nhân viên sẽ phải phục vụ lên đến 5-6 người.
Wanko Soba, món mì được ăn với phong cách kỳ lạ và tưởng chừng như khó hiểu nhưng hóa ra lại có nguồn gốc vô cùng sâu sắc. Dù hiện nay người ta đã có nhiều phương pháp khác để đảm bảo được tốc độ phục vụ món ăn cho thực khách, nhưng cách ăn này vẫn còn được giữ gìn và lưu truyền. Nếu có dịp ghé thăm vùng đất Iwate của Nhật, đừng quên trải nghiệm món ăn độc đáo này nhé.
Ngoài ra, hàng năm ở Nhật còn tổ chức các cuộc thi ăn mì Wanko Soba với người chiến thắng là người ăn được nhiều bát mì nhất. Tại nhà hàng Azumaya, kỷ lục tính đến năm 2019 là 570 bát. Cùng xem video dưới đây để cảm nhận được không khí của cuộc thi!
Xem thêm: Những món mì Udon và Soba nổi tiếng
kilala.vn