Kaitenzushi là kiểu nhà hàng sushi bình dân luôn được người Nhật yêu thích ở mọi lứa tuổi. Vào ngày nghỉ, bạn sẽ thấy cảnh người Nhật xếp hàng dài chờ đợi ở các quán kaitenzushi. Điều gì đã tạo nên sức hút đặc biệt cho kaitenzushi như vậy? Cùng Kilala khám phá qua bài viết sau nhé!
Kaitenzushi là gì?
Kaitenzushi hay còn được gọi là “Sushi băng chuyền”. Các dĩa sushi sẽ được tự động đưa đến thực khách bởi hệ thống băng chuyền. Hệ thống này xoay vòng đến mọi bàn, quầy và ghế ngồi. Nhờ đó mà khách sẽ nhìn thấy toàn bộ sushi trong quán và tự do chọn món mình thích. Hoặc khách có thể chọn món thông qua màn hình cảm ứng ngay tại chỗ ngồi. Khi món ăn sắp đến, màn hình sẽ phát ra tiếng động thông báo.
Bạn chỉ cần lấy dĩa sushi ra khỏi băng chuyền, ăn xong và xếp dĩa thành chồng trên bàn. Với các cửa hàng kaitenzushi có nhiều giá khác nhau thì họ sẽ quy định giá cả dựa trên màu sắc và cách trang trí của dĩa. Còn với những quán đồng giá thì dĩa nào cũng như nhau.
Lịch sử hình thành Kaitenzushi
Sự ra đời của kaitenzushi gắn liền với lịch sử phát triển của hệ thống băng chuyền dùng để vận chuyển sushi đến người ăn. Người đã tạo nên hệ thống đó chính là ông Yoshiaki Shiraishi – chủ cửa hàng sushi ăn đứng (kiểu buffet) ở Osaka.
Lúc đó, sushi ở cửa hàng ông vừa ngon lại rẻ nên rất được người dân ưa chuộng. Nhưng chính vì vậy ông gặp vấn đề là phải gia tăng số nhân viên để đáp ứng đủ lượng khách đông nghịt vào quán mỗi ngày. Kinh phí thì có hạn, nên làm gì để đạt hiệu suất kinh doanh mà không cần phải tuyển thêm nhân viên?
Mọi thứ đã được giải quyết khi Yoshiaki Shiraishi đến tham quan nhà máy bia. Khi nhìn vào hệ thống dây chuyền tự động, ông nảy ra ý tưởng “Nếu có thể xoay vòng sushi thì không cần tốn thời gian đưa sushi đến từng khách hàng. Như vậy sẽ tiết kiệm được nhân viên". Vì vậy, quán kaitenzushi đầu tiên với mô hình là các băng chuyền tự động ra đời năm 1958. Ban đầu chỉ tập trung ở vùng Kansai (Osaka, Kyoto, Mie, Wakayama, Nara, Shiga, Hyogo), nhưng sau đó kaitenzushi đã nhanh chóng mở rộng ra toàn quốc và tồn tại đến ngày nay.
Hành trình từ “rẻ” cho đến “ngon” và “tiện lợi”
Nhắc đến kaitenzushi thì ấn tượng đầu tiên của người ta là “rẻ”. Vì cửa hàng đầu tiên đã cố định mức giá 1 dĩa sushi là 100 yên (khoảng 20.000VND). Biên độ giá cũng được mở rộng khi ngày càng có nhiều cửa hàng quy mô lớn mọc lên, với các mức 150 yên, 200 yên, 250 yên… Nhưng nhìn chung, phạm vi giá vẫn là rẻ so với các quán sushi cao cấp.
Nhưng khi đời sống kinh tế phát triển hơn, người Nhật Bản đã đòi hỏi ở món ăn không chỉ rẻ mà còn phải ngon miệng. Từ đó xuất hiện hai “trường phái” kaitenzushi: một loại nghiêng về giá rẻ, đồng giá 100 yên; một loại nghiêng về các món sành điệu. Loại đầu tiên dành cho đối tượng thực khách là các gia đình, sinh viên, người có thu nhập trung bình. Loại thứ hai hướng đến người sành ăn, chú trọng đến chất lượng của sushi.
Cuối cùng, để thu hút thêm nhiều khách hàng, đi kèm với sự thay đổi của thời đại, nhiều cửa hàng đã thống nhất hai trường phái trên, cho ra đời các quán kaitenzushi vừa rẻ lại ngon. Không những thế, họ còn áp dụng các công nghệ IT để tạo sự tiện lợi, giải trí cho mỗi thực khách. Ví dụ như máy tính số dĩa tự động, tàu chuyển phát sushi tốc hành, màn hình cảm ứng chọn món đa ngôn ngữ (Nhật, Anh, Trung, Hàn…)…
Các sự thật thú vị về Kaitenzushi
1. Băng chuyền dài nhất, băng chuyền ngắn nhất
Băng chuyền dài nhất Nhật Bản nằm ở cửa hàng Onmakuzushi Itsukaichishiten thuộc tỉnh Hiroshima với chiều dài 147m, phục vụ cho khoảng 310 thực khách. Một lượt đi của nó mất 28 phút.
Ngược lại, băng chuyền ngắn nhất Nhật Bản nằm tại cửa hàng Uwosa ở Tsuruhashi, tỉnh Osaka. Nó có chiều dài 5,6m, trông giống như đồ chơi trẻ con. Một lượt đi của nó chỉ mất 1 phút 10 giây.
2. Kaitenzushi không chỉ có sushi!
Ngày nay, để thu hút thật nhiều khách hàng, các quán kaitenzushi luôn tìm cách đổi mới. Một trong số đó là làm đa dạng món ăn. Không chỉ sushi, nhiều cửa hàng đã thử thêm vào menu nhiều món như ramen, soba, yakiniku, các loại rượu, món tráng miệng như kem, trái cây…
3. Kaitenzushi với những món sushi đặc sản
Mỗi vùng miền sẽ có nhiều món đặc sản địa phương, trở thành một trong những điều thu hút khách du lịch đến. Các quán kaitenzushi đã tận dụng điểm này để chế biến ra những loại sushi sử dụng nguyên liệu chỉ có tại địa phương đó.
Nhân đây, Kilala cũng giới thiệu một vài quán sushi có các món sushi đặc sản ở một vài địa phương để bạn đọc nếu có cơ hội đến thì hãy thử ghé qua thưởng thức nhé.
Hokkaido: ししゃも、ホッケ、時不知、ソイ、八角…
Fukuoka: ゲボウ、アブラボウズ、生桜海老、生シラス…
Ishikawa: のど黒、赤四具、香箱ガニ…
Okinawa: イラブチャ―、海ぶどう、シャコ具…
kilala.vn