Mè - Vị thuốc trường sinh bất lão của người Nhật
Bài: Minh Nhật/ Cover: www.kuliacooks.comJan 19, 2018
Đẹp từ trong ra ngoài nhờ hạt mè
Hạt mè nhỏ bé thân thuộc với chúng ta hóa ra lại có hơn 6000 năm lịch sử được cho là đã được trồng ở vùng hoang mạc châu Phi, sau khi được truyền tới Ai Cập , Ấn Độ và tới nhiều khu vực như Trung Quốc, sau đó đến Nhật Bản.Mè là một thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng cao như protein, lipid và các loại vitamin, chất xơ, khoáng chất như sắt và canxi. Riêng protein đã chiếm 20 phần trăm của các thành phần dinh dưỡng của mè.
Trong cùng một lượng so sánh, chất xơ trong 100g mè chiếm tới 13g, gấp hai lần so với rau đay, canxi gấp 11 lần so với sữa, sắt thì gấp 10 lần so với cải bó xôi (rau chân vịt). Các loại vitamin có trong mè có các vitamin nhóm B và vitamin E. Vitamin E gấp khoảng 3,5 lần so với rau đay, 10 lần so với cải bó xôi.
Vì vậy, sử dụng các thực phẩm từ mè không những giúp cân bằng các dưỡng chất cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh mà còn có tác dụng chống o-xy hoá, làm chậm lại sự lão hóa của làn da nói riêng và cơ thể nói chung, lâu bạc tóc, cải thiện chức năng gan, cân bằng điều tiết lượng cholesterol trong máu, cải thiện tuần hoàn máu, phòng trị bệnh xơ vữa động mạch và tai biến mạch máu não. Vì vậy, nói ăn mè sẽ giúp “đẹp trong lẫn ngoài” quả thực cũng chẳng phải là nói quá.
Sử dụng mè trong các món ăn truyền thống Nhật Bản
Trong các món ăn thuần túy Nhật Bản (washoku), không khó để nhận thấy sự hiện diện của mè:- Từ việc đơn giản chỉ là vài hạt mè rắc lên trên món đậu hũ non hay các món xào để trang trí,
- Dầu mè để các món xào thêm đậm hương vị,
- Một thành phần chính trong 7 vị (shichimi) không thể thiếu khi ăn udon hoặc ramen,
- Mè giã nhỏ trộn với đậu ve hay các món rau luộc để làm salad,
- Một vị được ưa thích và dễ ăn của furikake (gia vị rắc cơm),
- Làm món tráng miệng pudding mè sữa,
- Cầu kì hơn một tí nữa, mè nghiền mịn có thể làm món nước sốt mè trắng mayonnaise tuyệt hảo bằng cách trộng lẫn mè, mayonnaise thêm nước tương, đường, và dấm. Món salad này cực kì quyến rũ bởi mùi thơm đặc trưng của mè, vị chua chua dấm, beo béo ngòn ngọt của mayonnaise.
Gợi ý một số món ăn dễ chế biến từ mè
1. Đậu cô ve (đậu que) ngào mè
Đậu cô ve là loại đậu có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều chất xơ, vitamin, protein, giusp tăng cường hệ tiêu hóa, giúp nhuận tràng, tốt cho tim mạch mà lại ít calo nên thích hợp ngay cả với người muốn giảm cân hay em bé bắt đầu ăn dặm rau xanh.
Nguyên liệu (cho 2 người)
- Đậu cô ve 150g
- Mè (đen, vàng hoặc trắng đều được) đã rang chín 15g
- Nước tương 10ml (một muỗng canh)
- Đường 2-3g (1 muỗng cà phê nhỏ)
* Lượng nước tương và đường có thể gia giảm tùy khẩu vị
- Đậu cô ve rửa sạch, cắt thành từng đoạn nhỏ vừa ăn rồi luộc trong nước sôi từ 2-3 phút.
- Vớt đậu ra để nguội và ráo nước.
- Trong khi đợi, nghiền nhỏ mè rồi thêm đường, nước tương vào trộn đều.
- Trộn đều mè với hỗn hợp mè nước tương và đường rồi bày ra đĩa.
Có thể rắc thêm một ít mè còn nguyên hạt (chưa nghiền nhỏ) lên trên bề mặt để trang trí.
2. Salad gà chua cay
Đối với các loại rau củ mùa hè, dưa leo trông đơn giản nhưng lại dễ chế biến và nhiều công dụng nhất, có rất nhiều các loại Vitamin cần thiết cho cơ thể như: A, B1, B2, B6, C, D, canxi, kali, axit folic…, tác dụng giải khát, thanh nhiệt, giải độc, xua tan mệt mỏi.
Nguyên liệu (cho 2 người)
Ức gà 400g
Dưa leo 2 quả hoặc nhiều hơn tùy ý
Ớt bột 5g
Đường 2-3g (1 muỗng cà phê nhỏ)
Nước tương 15ml (hai muỗng canh)
Dấm 15-20ml (hai muỗng canh)
Mè rang chín nghiền nhỏ 20-30g tùy ý
- Gà rửa sạch, luộc chín.
- Trong khi đợi luộc gà, cắt dưa leo thành sợi nhỏ vừa ăn.
- Trộn kĩ mè, ớt bột, dấm, nước tương, đường lại với nhau.
- Gà đã chín vớt ra để nguội rồi xé nhỏ.
- Xếp dưa leo lên đĩa trước rồi xếp gà lên sau. Rưới nước chấm đã pha sẵn lên trên gà và dưa leo.
Trang trí bằng ngò hoặc ớt xắt sợi cho đẹp mắt.
3. Món tráng miệng: Pudding mè đen
Mè đen thường được dùng làm chè nhưng vị ngọt làm trẻ con mà ngay cả người lớn thường bị ngán hoặc không ăn được nhiều, nên có thể sử dụng để làm pudding, vừa lạ miệng vừa dinh dưỡng như sau:
Nguyên liệu (cho 2 người)
Sữa tươi hoặc có thể thay thế bằng sữa đậu nành 400g
Mè đen 30g
Đường 15g (một muỗng canh)
Bột nấu rau câu dẻo 5g (một muỗng cà phê nhỏ)
* Gia giảm lượng bột rau câu để tăng giảm độ cứng của pudding
- Thay vì phải nghiền nhỏ mè đen ra trước, có thể bỏ chung mè đen và đường vào sữa rồi dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn
- Bắc hỗn hợp đường sữa mè đen đã xay nhuyễn lên bếp, để lửa trung bình.
- Khi hỗn hợp sữa bắt đầu nóng lên thì cho từng lượng nhỏ bột rau câu vào nồi và khuấy đều tay. Để bột rau câu khỏi vón cục thì có thể hòa bột rau câu bằng nước ấm ở ngoài trước khi cho vào nồi sữa.
- Sau khi hỗn hợp sữa bắt đầu sôi nhẹ, tiếp tục khuấy đều trong vòng 2-3 phút nữa thì tắt lửa.
- Đổ hỗn hợp sữa vào ly, chén để nguội rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tiếng đồng hồ.
- Khi hỗn hợp đã đông lạnh thành hình, có thể rắc thêm một ít mè lên bề mặt hoặc thêm kem tươi lên để trang trí và tăng thêm khẩu vị.