Takoyaki - Món ăn đường phố trên giao lộ lịch sử

Bài: Nguyên Giang/Ảnh: flickr/Bìa: Antonio TajueloApr 12, 2018

Món ăn đường phố là một sự đan xen thú vị giữa lịch sử ẩm thực pha trộn với mối quan tâm về văn hóa. Ở Nhật, một đất nước tự hào về nghệ thuật ẩm thực đặc trưng và sự tuân thủ mạnh mẽ các nghi thức xã hội, là nơi mà việc ăn uống trong khi đi bộ nơi công cộng bị xem là thô kệch thì món ăn đường phố lại cho thấy một khía cạnh rất thú vị của văn hóa Nhật Bản.
quán Takoyaki trên đường phố Nhật
Quán Takoyaki trên đường phố Nhật/Nguồn: sakura_chihaya+

Takoyaki trên đường phố Tokyo

Quán Takoyaki ở khu phố phồn hoa Shinjuku, Tokyo/Nguồn: ProtoType069

Takoyaki là một món ăn đường phố rất nổi tiếng ở Nhật Bản. Đây là một loại bánh nhỏ tròn ngon lành và hấp dẫn với mùi thơm của bơ tỏa ra từ lớp vỏ ngoài được làm từ bột mì, nhân là hỗn hợp các nguyên liệu tươi ngon như bạch tuộc khô, bã Tempura, gừng muối và hành lá. 

Takoyaki thường được nướng đến độ nâu vàng hấp dẫn và phủ lên bề mặt một lớp nước xốt mặn ngọt. Nước xốt này cũng giống như một phiên bản Nhật của xốt Worcestershire. Mayonnaise và dăm cá ngừ khô cũng hay được thêm vào. Takoyaki thường được phục vụ trên khay giấy với kích thước có thể chứa từ 6 đến 10 bánh mỗi khay. 

Takoyaki thường được nướng vàng

Nguồn: Antonio Tajuelo

Lịch sử Takoyaki

Takoyaki được cho là do một người bán hàng rong tên Tomekichi Endo ở Osaka vùng Kansai sáng tạo vào năm 1935, lấy cảm hứng từ Akashiyaki, một loại bánh bao làm từ bột trứng ăn kèm với nước dùng Dashi.

Tuy nhiên, nguồn gốc của Takoyaki có thể còn xa xưa hơn, vào khoảng những năm 1600, khi ẩm thực Pháp bắt đầu du nhập vào Nhật Bản với các món ăn chủ yếu sử dụng bột mì. Có hai sự kiện đã làm cho việc sử dụng bột mì trở nên phổ biến hơn trong ẩm thực Nhật Bản.

Đầu tiên là trận động đất lịch sử ở Tokyo vào năm 1923 đã gây ra nạn thiếu hụt thực phẩm nghiêm trọng. Sau đại thảm họa, nhằm tạo ra nguồn thực phẩm ngon bổ rẻ, mọi người bắt đầu dùng đến bột mì và nước để chế biến món ăn. 

Ngoài ra sau Thế chiến II, khi Mỹ gửi một lượng lớn bột mì sang như hàng cứu trợ cho Nhật Bản, việc sử dụng bột mì càng trở nên phổ biến hơn trong ẩm thực Nhật Bản. 

Lý do mà Tomekichi Endo quyết định chọn bạch tuộc làm nhân Takoyaki là vì ở Osaka, nơi ông sống, có rất nhiều bạch tuộc. Sáng tạo của ông đã trở nên nổi tiếng đến độ ngày nay Takoyaki có mặt hầu như trên khắp Nhật Bản.

Takoyaki ngày nay

Takoyaki được thưởng thức quanh năm tại Nhật Bản nhưng nhiều nhất là trong các dịp lễ hội mùa hè. Các lễ hội Nhật Bản, được gọi là Matsuri, thường được tổ chức ngoài trời tại đền thờ địa phương, nơi mà đồ ăn đường phố như Takoyaki luôn được bán cùng với quà lưu niệm và các trò chơi. 

Takoyaki ở quê hương Osaka ngày nay vẫn rất nổi tiếng với sự sáng tạo trong hương vị. Du khách đến Osaka có thể dễ dàng tìm thấy tất cả các loại đồ tế nhuyễn và quà lưu niệm về Takoyaki, từ dây đeo điện thoại di động cho đến các thiết bị USB. Thậm chí Osaka còn cho xây dựng một bảo tàng về Takoyaki, nơi mà du khách có thể thưởng thức các loại Takoyaki của năm nhà cung cấp hàng đầu. 

Hiện nay, Takoyaki là một trong những thực phẩm xuất khẩu nổi tiếng của Nhật Bản, đặc biệt là tại thị trường Châu Á. 

cửa hàng Takoyaki số 1 Osaka

Cửa hàng Takoyaki số 1 Osaka/Nguồn: Giovanna Durgoni

cửa hàng Takoyaki ở Osaka

Cửa hàng Takoyaki nổi tiếng trên phố Dotonbori, Osaka rất được thực khách ưa chuộng/Nguồn: MIKI Yoshihito

chế biến Takoyaki

Nhân viên cửa hàng đang chế biến Takoyaki/Nguồn: d'n'c

Cách làm Takoyaki

Ở Nhật, mặc dù có rất nhiều nhà cung cấp đường phố và cửa hàng bán Takoyaki nhưng nhiều người vẫn thích tự làm Takoyaki tại nhà. Có hai cách chính để làm Takoyaki, một là nướng bằng khuôn bánh trên bếp lò, và hai là dùng chảo điện Takoyaki. 

Bước đầu tiên trong quá trình làm Takoyaki là chuẩn bị bột nhão. Bột Takoyaki sẽ được trộn với nước dùng Dashi và nước. Nguyên liệu làm nhân như bạch tuộc, thịt nguội, phô-mai và tôm cần được chuẩn bị sẵn và thường được xắt nhỏ hoặc thái hạt lựu để cho vào món ăn.

Khi bột nhão có độ sệt thích hợp thì bắt đầu tra dầu ăn hoặc mỡ vào khuôn bánh Takoyaki. Khi khuôn được đun nóng đến một nhiệt độ lý tưởng thì có thể bắt đầu đổ bột vào. Chỉ nên đổ bột vào đầy nửa khuôn để không gian còn lại vừa đủ cho nguyên liệu làm nhân. Sau khi cho nhân vào rồi thì khoảng trống còn lại có thể đổ thêm bột. 

Khi mặt đáy của bánh chuyển sang màu nâu vàng thì lần lượt trở bánh lại. Tốt nhất là dùng hai chiếc đũa kim loại để trở bánh nhằm thao tác dễ dàng và tạo ra hình tròn hoàn hảo. Nếu cần thiết thì đổ thêm bột vào để cho bánh được tròn trịa hơn. Dùng đũa lần lượt trở những chiếc bánh chín mươi độ trong những khoảng thời gian nhất định để bánh được nướng chín hoàn toàn. Khi Takoyaki đạt đến một màu nâu vàng trên tất cả các mặt thì có thể lấy ra khỏi khuôn.

Sau đó bắt đầu rót xốt Okonomi, một phiên bản sệt của xốt Worcestershire, và Mayonnaise phủ trên khắp mặt Takoyaki. Sau khi rắc thêm bột rong biển Aonori và cá ngừ khô bào mỏng là đã có thể sẵn sàng để thưởng thức Takoyaki! Lớp vỏ nướng màu nâu vàng thơm phức sẽ giữ cho lớp bột bên trong thấm đẫm vị ngon ngọt của thịt bạch tuộc. 

Hiện nay khuôn bánh hoặc chảo điện Takoyaki được bán khá phổ biến nên bạn cũng dễ có cơ hội thử tay nghề làm món Takoyaki ngon lành này. Nếu nơi bạn sống không có nguyên liệu làm nhân đúng kiểu Takoyaki thì bạn có thể sáng tạo với các thành phần nguyên liệu của riêng mình. 

Ngay cả ở Nhật Bản ngày nay vẫn có nhiều loại Takoyaki được pha trộn từ nhiều thành phần khác nhau chứ không chỉ là nhân bạch tuộc kinh điển. Tôm, thịt nguội và phô-mai vẫn thường được sử dụng để làm nhân bánh. Thậm chí có người còn dùng sô-cô-la để chế biến thành món tráng miệng kiểu Takoyaki.

Nguyên Giang/kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU