Mochi - Bánh dày Nhật Bản
Xuất hiện đầu tiên vào thời đại Nara, Mochi là tên gọi chung của các loại bánh làm từ bột gạo nếp, tương tự như bánh dày của Việt Nam. Ngày xưa, để làm bánh Mochi cơ bản cần trải qua nhiều bước, đầu tiên là ngâm gạo từ đêm trước đó, hôm sau bắt đầu hấp gạo bằng xửng. Sau khi hấp, hỗn hợp được lấy ra cho vào cối, pha với lượng nước nóng vừa đủ và giã tay đến khi bột bánh dẻo mịn.
Giã bánh dày - Mochitsuki - là hoạt động truyền thống chào đón năm mới của người Nhật, diễn ra vào khoảng thời gian cuối năm, khi người Nhật cần chuẩn bị bánh dày cho súp Ozoni và Kagamimochi cho ngày đầu năm. Ngày nay, bánh dày được sản xuất công nghiệp nên hoạt động Mochitsuki chỉ còn được tổ chức nhỏ gọn trong trường mẫu giáo hay khu phố nhưng hầu hết mọi người đều yêu thích và tham gia rất nhiệt tình.
Bên cạnh hình ảnh thường thấy là món ngọt, thực tế Mochi cũng được sử dụng nhiều trong những món mặn. Cách ăn Mochi điển hình nhất là nướng đến khi bánh nở mềm (khác với Việt Nam, loại bánh dày trắng dành cho nấu nướng của Nhật được đóng gói ở dạng khô) và ăn với nước tương. Bánh dày nướng cũng được cho vào súp Ozoni, ăn với mì Udon, chè Zenzai, dùng làm nhân bánh Gyoza hay nhân của Takarabukuro trong món Oden.
Gắn liền với đời sống tinh thần của người Nhật
Do hình tròn của bánh dày được cho là mô phỏng hình dáng trăng tròn, tượng trưng cho sự viên mãn nên từ xa xưa, người Nhật đã có phong tục ăn và dâng bánh dày trong những nghi thức cúng bái thần linh hay sự kiện lễ hội,... Phong tục này được trân trọng và gìn giữ đến hiện tại, điển hình như sự hiện diện của Kagamimochi - 2 miếng bánh dày tròn chồng lên nhau, trên cùng là quả cam - trong ngày đầu năm mới, hay chén súp Ozoni không thể nào trọn vẹn nếu thiếu một miếng bánh dày... Trong những sự kiện vui mừng của đời người như sinh con, mừng thọ, nhập học... người Nhật cũng chuẩn bị bánh dày. Bánh dày trở thành biểu tượng mang đến sự may mắn, thịnh vượng và có mối liên kết sâu sắc về tinh thần với người Nhật.
Ngày 10/10 là ngày Mochi!
Với nguyên liệu là bột gạo nếp cung cấp dinh dưỡng giúp cơ thể duy trì được năng lượng trong thời gian dài, bánh dày thường là món ăn yêu thích của các tuyển thủ điền kinh hay những khi người Nhật cần hoạt động thể thao. Vì vậy mà ngày 10/10 - ngày Hội thể thao toàn quốc - cũng được chọn là ngày Mochi!
Các loại bánh Mochi trong năm
Hishimochi
Sự kiện: Lễ hội Búp bê Hina
Bánh dày Hishimochi có hình thoi, 3 lớp màu tươi sáng hồng - trắng - xanh lá theo thứ tự từ trên xuống. Hồng (đỏ) mang ý nghĩa bảo vệ đứa bé khỏi quỷ dữ, xanh thể hiện mong ước đứa bé sẽ trở thành người tử tế, trắng tượng trưng cho sự thuần khiết.
Ohagi
Sự kiện: Ngày Xuân phân, Obon,...
Ngược với đa số các loại bánh dày thông thường, Ohagi được bọc bởi lớp đậu đỏ bên ngoài, ăn trong ngày Xuân phân và Thu phân. Ohagi cũng có phiên bản bọc ngoài là bột đậu nành rang hay mè đen.
Tsukimi Dango
Sự kiện: Trung thu
Vào đêm Trung thu, người Nhật sẽ xếp khoảng 15 viên bánh Dango (cũng được xem là Mochi vì được làm từ bột gạo nếp) có đường kính khoảng 4,5cm lên đĩa để cúng. Loại Dango này được gọi là Tsukimi Dango - tức bánh Dango “ngắm trăng”.
Sakuramochi
Sự kiện: Ohanami - lễ hội ngắm hoa anh đào
Đây là loại bánh dày nhân đậu đỏ, vỏ nhuộm màu hồng nhạt, quấn lá anh đào, thường được ăn vào dịp hoa anh đào nở rộ đón xuân, đặc biệt là tiệc Hanami. Sakuramochi có 2 phiên bản: Kansai (hình viên tròn) và Kanto.
Kashiwamochi
Sự kiện: Tết Thiếu nhi
Phong tục ăn bánh Kashiwamochi trong ngày Tết Thiếu nhi (trước đây gọi là Lễ Bé trai) có từ giữa thời đại Edo. Kashiwamochi là bánh dày nhân đậu đỏ bọc lá sồi - loại cây tượng trưng cho sự phát triển vững chắc và thành công mỹ mãn.
Iwaimochi
Sự kiện: Lễ Shichi-go-san, nhập học, mừng thọ,...
Còn có tên khác là Daifukumochi hay Daifuku (Đại Phúc), Iwaimochi là bánh dày có hình tròn đơn giản, nhân đậu đỏ, màu phổ biến là trắng và hồng - hai màu mang ý nghĩa may mắn trong văn hóa Nhật Bản.
Đa dạng qua từng tỉnh thành
Bên cạnh những loại Mochi phổ biến dùng trong sự kiện, mỗi địa phương còn có những phiên bản Mochi khác, được ăn như món ngọt trong đời sống thường ngày. Những món bánh Mochi này được làm từ nguyên liệu đặc sản của vùng và trở thành một món quà lưu niệm không thể bỏ qua khi bạn có dịp ghé chơi.
Một vài điển hình nổi tiếng như bánh Nagamashi (hay còn gọi là Harisenbo), đặc sản của tỉnh Toyama, có hình miếng tròn khoảng 10cm, vỏ bánh thường có 4 màu hồng, vàng, xanh lá và trắng, đặc biệt nhất là trên mặt bánh đóng dấu hình hoa anh đào; Zundamochi của tỉnh Miyagi, một loại bánh Mochi trắng phủ bên trên là hỗn hợp đậu nành lông nghiền nhuyễn, trộn với đường và một ít muối; Tochimochi - bánh dày làm từ hạt dẻ ngựa của tỉnh Tottori; Nattomochi - bánh dày nhân đậu nành lên men của Kyoto; hay Kakimochi - bánh dày có nguyên liệu là quả hồng của Osaka...
Lăng Vi/ kilala.vn