Wasabi và Mù tạt có phải bà con?
Wasabi và Mù tạt đều thuộc cùng họ Brassicaceae nhưng lại khác chi. Ngoài ra chúng còn khác nhau ở các điểm sau.
Wasabi (わさび) là gia vị của Nhật Bản
Wasabi là loại cây có nguồn gốc từ Nhật Bản, xuất hiện trong các ghi chép từ thế kỷ thứ 8, chính thức được trồng trọt tại Nhật từ thế kỷ 10. Wasabi sinh trưởng tự nhiên tại các con suối ở vùng núi, thung lũng, sau này được trồng chủ yếu tại những nơi có khí hậu mát mẻ như vùng cao nguyên. Cả thân và lá Wasabi đều ăn được. Do Wasabi có tính khử khuẩn nên thường được ăn kèm với đồ sống như Sushi, Sashimi và một số món ăn khác. Wasabi tươi rất dễ hỏng, do đó nó thường được nghiền và khử nước để bảo quản và vận chuyển. Wasabi khử nước được đóng gói và bảo quản dưới hai dạng: Wasabi dạng sệt được bảo quản trong ống tuýp gọi là Neriwasabi và Wasabi dạng bột mịn được đóng gói gọi là Konawasabi.
Mù tạt (マスタード) là gia vị của phương Tây
Mù tạt (Mustard) là loại cây được cho là xuất hiện rất sớm ở Nền văn minh Indus, trong khoảng thời gian từ năm 2500 - 1700 TCN. Nếu Wasabi được làm từ thân cây thì mù tạt được làm từ hạt. Hạt mù tạt sau khi được nghiền nhuyễn sẽ được trộn với nước, giấm, rượu hoặc các chất lỏng khác. Mù tạt có rất nhiều loại tùy thuộc vào công thức sản xuất, như mù tạt vàng, mù tạt Dijon hay mù tạt Meaux. Ngoài ra, hạt mù tạt còn được ép để làm dầu mù tạt. Không chỉ phần hạt được chế biến nhiều hình thức, lá cây mù tạt cũng có thể ăn như một loại rau xanh.
Nói tóm lại, bạn có thể gọi Wasabi là "mù tạt xanh", tuy nhiên hãy nhớ rằng Wasabi là loại gia vị thuần túy của ẩm thực Nhật Bản, trong khi mù tạt lại là gia vị của phương Tây.
Vậy còn Karashi là gì?
Nếu đã từng đến Nhật hoặc sinh sống ở Nhật Bản, bạn sẽ thấy người Nhật còn có một loại gia vị khác trông rất giống mù tạt vàng, gọi là "Karashi - 辛子".
Karashi là tên gọi của một loại gia vị/xốt cũng được làm từ một loại cây thuộc cùng họ Brassicaceae như Wasabi và mù tạt. Tuy nhiên, nếu Wasabi chủ yếu được dùng như một loại gia vị có tính khử khuẩn trong các món ăn sống, thì Karashi với vị cay nồng đặc trưng giúp kích thích vị giác lại được dùng trong các món ăn có hương vị thanh đạm như món hầm Oden, đậu nành lên men Natto hoặc những món chiên/nướng dễ gây ngán như thịt heo chiên xù Tonkotsu,...
Karashi rất hay bị nhầm lẫn với mù tạt vàng của phương Tây. Xét về hình thức, thật khó để phân biệt 2 loại gia vị này, tuy nhiên thật ra mục đích sử dụng, công thức chế biến, cũng như hương vị thực chất khá khác nhau. Để dễ phân biệt, bạn chỉ cần nhớ do Karashi là gia vị của Nhật nên chỉ được dùng kèm với các món ăn Nhật Bản, trong khi mù tạt vàng là gia vị của phương Tây nên thường ăn kèm với các món Âu như bánh mì Hot dog, mì Ý hoặc Sandwich,...
kilala.vn