Mùa xuân, người Nhật ăn rau gì?

Bài: Happy
Mar 21, 2023

Nguồn: Savvy Tokyo

Mùa xuân là thời điểm vạn vật thức giấc, cây cối đâm chồi nảy lộc sau một mùa đông lạnh giá. Vào khoảng thời gian này tại Nhật, có nhiều loại rau củ với hương vị tươi mát, giàu dinh dưỡng thích hợp để khai vị đầu xuân. Cùng tìm hiểu về năm loại rau củ là lựa chọn hàng đầu trong mùa xuân ở đất nước Mặt trời mọc nhé! 

rau mùa xuân
Ảnh: Savvy Tokyo

Kim tâm

Kim tâm hay còn gọi cúc móng ngựa, cúc tía, cúc hải đường (tên tiếng Anh: Japanese butterbur) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Cúc. Trong tiếng Nhật, kim tâm là “fuki”, được biết đến như một loại rau dại mọc ở các cánh đồng và vùng núi vào mùa xuân.

japanese butterbur
"Fuki" - loại rau dại mọc ở các cánh đồng và vùng núi Nhật Bản vào mùa xuân. Ảnh: gardeningknowhow.com

Mặc dù không chứa bất kỳ thành phần dinh dưỡng đặc trưng nào, nhưng điểm cộng của loại rau này là có lượng calo thấp, chỉ 11kcal/100g, giàu chất xơ nên được xem như một loại thực phẩm kích hoạt chức năng của ruột và hỗ trợ nhu động ruột. Chúng thường được sử dụng trong các món hầm và aemono (món rau, cá trộn). Kim tâm dại có vị đắng và nhỏ hơn so với loại được trồng.

Về cách chế biến, trước khi tăng thêm hương vị bằng nước sốt hoặc chiên, loại rau này cần được loại bỏ một phần vị đắng bằng cách luộc trong 3-5 phút (tùy thuộc vào kích cỡ) hoặc lăn qua muối trên thớt. Sau khi hoàn thành, fuki có thể bảo quản trong tủ lạnh tối đa 5 ngày. 

fuki tempura
Món fuki tempura. Ảnh: Savvy Tokyo

Măng

Ẩm thực mùa xuân xứ Phù Tang không chỉ đặc trưng bởi hoa anh đào mà còn có những món ngon được chế biến từ măng hay “takenoko” (竹の子) trong tiếng Nhật. 

Đúng như cái tên “đứa con của tre”, những chồi non này là sự khởi đầu của cây tre trong tương lai, bật ra khỏi mặt đất vào mùa xuân dưới dạng củ hình nón với các lớp xơ chồng lên nhau. Chúng thường được thu hoạch vào khoảng tháng 4 và tháng 5 khi chồi dài khoảng 30cm và được bày bán rộng rãi tại các siêu thị trên khắp Nhật Bản.

măng được gọi là takenoko trong tiếng nhật
Măng được gọi là "takenoko" trong tiếng Nhật. Ảnh: Savvy Tokyo

Măng thô có vị đắng, vì vậy chúng cần được sơ chế, bao gồm bóc bỏ các lớp dày nhất bên ngoài của chồi, sau đó cắt bỏ phần ngọn và rạch một đường dọc từ trên xuống. Tiếp theo là công đoạn akunuki – loại bỏ tạp chất bằng cách đun sôi trong khoảng 90 phút trong dung dịch kiềm được tạo thành từ cám gạo hòa với nước sôi. 

Sau khi nguội, măng được bóc từng lớp, thái lát và cuối cùng sẵn sàng để sử dụng trong nấu ăn. Cho măng đã chuẩn bị vào súp miso, nướng hoặc đơn giản là làm món cơm măng takenoko gohan để thưởng thức kết cấu giòn và hương vị tươi mát của chúng.

món cơm măng takenoko gohan
Món cơm măng takenoko gohan. Ảnh: Savvy Tokyo

Đậu Hà Lan

Đậu Hà Lan là món ăn đặc biệt được người Nhật yêu thích vào khoảng thời gian xuân - hạ bởi độ giòn và vị ngọt tự nhiên của chúng. Tại Nhật, có nhiều loại đậu nhưng điểm khác biệt chính là một số loại đậu có vỏ ăn được còn một số loại khác thì không. 

đậu hà lan
Đậu Hà Han chứa nhiều chất dinh dưỡng đa lượng. Ảnh: Savvy Tokyo

Đậu Hà Lan là loại có thể ăn luôn vỏ. So với việc chỉ ăn riêng hạt đậu, ăn đậu Hà Lan có vỏ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn vì chúng chứa các chất dinh dưỡng đa lượng. Chúng thường được phục vụ dưới dạng món trộn aemono hoặc trong các món xào để giữ được kết cấu giòn và hương vị tươi ngon.

đậu hà lan kèm cá ngừ bào
Đậu Hà Lan được trộn với cá ngừ bào. Ảnh: Savvy Tokyo

Hoa cải dầu

Hoa cải dầu hay nanohana trong tiếng Nhật là những bông hoa nhỏ có màu vàng rực rỡ làm bừng sáng các cánh đồng trên khắp Nhật Bản, thường báo hiệu sự bắt đầu của mùa xuân. 
Nanohana được sử dụng phổ biến nhất để sản xuất dầu ăn, nhưng hoa cũng có thể ăn được và được nhiều người Nhật yêu thích vì hương thơm và vị đắng độc đáo của chúng. 

hoa cải dầu
Hoa cải dầu được gọi là nanohana trong tiếng Nhật.  Ảnh: Savvy Tokyo

Hoa cải dầu tốt nhất nên được tiêu thụ trước khi thực sự ra hoa, vì vậy chúng thường được bán dưới dạng chồi xanh với thân nhỏ. Trước khi nấu, bạn nên ngâm hoa cải dầu trong một bát nước trong khoảng 15-20 phút. Sau đó, chần nhanh qua nước sôi khoảng 30 giây đến 1 phút để cọng không bị nhớt, rồi làm lạnh ngay lập tức với nước đá để giữ màu xanh của chúng. Cuối cùng, hãy thưởng thức hương vị đặc biệt của hoa cải dầu bằng cách rưới dầu ô liu và một chút muối lên trên.

chế biến hoa cải dầu
Hoa cải dầu được rưới thêm nước xốt ponzu. Ảnh: Savvy Tokyo

Đậu tằm

Nhật Bản có nhiều loại đậu thơm ngon, từ đậu nành đến đậu đỏ azuki, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi một trong những loại rau phổ biến nhất của mùa xuân xứ Phù Tang là một loại đậu. 

Đó là soramame hay đậu tằm, một loại đậu đặc biệt phổ biến tại Nhật. Mùa của soramane khá ngắn, chỉ kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 5. Chúng được thu hoạch chủ yếu từ các tỉnh Kagoshima, Chiba và Ibaraki. 

đậu tằm
Đậu tằm hay soramame. Ảnh: Savvy Tokyo

Khi mua soramame, tốt nhất bạn nên mua loại nguyên vỏ để giữ được độ tươi. Hãy tìm những quả còn lông tơ trên vỏ, có màu xanh đậm và mập mạp, đó là những quả ngon nhất. 

soramame gohan
Soramame gohan - cơm đậu tằm. Ảnh: japantimes.co.jp

Một phương pháp phổ biến để chế biến món soramame là tách đậu ra khỏi vỏ và đun sôi trong nước muối. Loại đậu này cũng được xào và nêm nếm với ớt như như một món nhắm lạ miệng cùng rượu bia.

Xem thêm: Những loại hải sản nên thử vào mùa xuân ở Nhật Bản

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU