Mùa thu Nhật Bản không chỉ là dịp để ngắm lá đỏ mà còn là mùa để thưởng thức nhiều loại rau củ bổ dưỡng.
Một trong những đặc trưng của Washoku – văn hóa ẩm thực truyền thống của người Nhật là nguyên tắc tôn trọng thiên nhiên với phương châm “mùa nào thức nấy”. Với khí hậu phân hóa 4 mùa xuân, hạ thu, đông rõ rệt, người Nhật lại càng có điều kiện để thưởng thức “mỹ vị thiên nhiên” phù hợp với từng mùa riêng biệt.
Những loại rau củ giàu dinh dưỡng sau đây là thức quà thiên nhiên ban tặng cho mùa thu Nhật Bản.
1. Khoai lang
Bạn có biết rằng, ngày 13/10 hằng năm ở Nhật Bản chính là “ngày của khoai lang” (サツマイモの日 – Satsuma imo no hi). Quả thực khi nói đến món ăn mùa thu Nhật Bản, chắc chắn không thể nào không nhắc đến khoai lang.
Có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới Châu Mỹ, năm 1605, khoai lang lần đầu tiên được mang đến Okinawa (lúc bấy giờ là vương quốc Ryukyu) và nhanh chóng thâm nhập vào đất liền thông qua giao thương đến vùng Satsuma (ở miền Nam Kyushu ngày nay). Vào những thời kỳ thiếu lương thực trong lịch sử, khoai lang là cây trồng ưa thích của người dân Nhật Bản để cải thiện tình trạng đói kém.
Củ khoai lang Nhật có hình dáng thon dài, nhẵn bóng với vỏ màu tím đỏ, ruột màu vàng đậm. Khoai lang Nhật Bản chứa hàm lượng cao canxi, mangan, choline và nhiều loại vitamin như A, C, B... đồng thời có hàm lượng chất xơ cao, rất thích hợp với chế độ dinh dưỡng của người giảm cân, giúp nhuận tràng, hỗ trợ điều trị táo bón...
Là loại củ được ưa chuộng tại đất nước mặt trời mọc, khoai lang hiện diện trong văn hóa ẩm thực Nhật với nhiều món ăn khác nhau, phổ biến nhất là món khoai lang nướng. Cứ mỗi độ thu về, những xe khoai lang nướng thơm ngon, nóng hổi lại tràn ngập khắp phố phường Nhật Bản.
Xem thêm: Yaki-imo: Món khoai nướng mang hương vị mùa thu ngọt ngào
2. Cải thìa
Cải thìa hay cải bẹ trắng, còn có tên gọi khác là “Bạch giới tử”, là một loài rau thuộc họ cải, cùng họ với cải thảo, cải bẹ xanh.
Với giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe, có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, giảm đáng kể việc hình thành các gốc tự do, ngăn ngừa ung thư, loại bỏ những chất có hại trong cơ thể..., cải thìa từ lâu đã trở thành loại rau quen thuộc để chế biến nên nhiều món ăn ngon ở nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản...
Tháng 10 là thời điểm thích hợp để thưởng thức cải thìa. Ở Nhật, cải thìa thông dụng như những món mỳ sợi và được xem là “quý phi” của nguyên liệu nấu ăn đối với người dân.
Có rất nhiều cách để chế biến cải thìa, nhưng món xào là phổ biến nhất. Phương pháp xào rau nhanh bằng dầu nóng của Trung Quốc đã du nhập vào Nhật Bản từ thời Minh Trị (1886-1912) khi những người nhập cư Trung Quốc đến Nhật Bản.
3. Củ sen
Trong tiếng Nhật, củ sen là Renkon (れんこん), mặc dù được gọi là củ sen, nhưng thực chất đây lại là phần thân rễ phình to thành củ, nằm dưới bùn ao của cây sen. Cũng như các bộ phận khác của sen, củ sen có nhiều tác dụng đối với hệ miễn dịch, kháng viêm, giảm stress, tốt cho tim mạch, hỗ trợ chuyển hóa, hạ đường huyết…
Củ sen khi ăn giòn, có vị chua nhẹ, vì có khả năng hấp thụ hương vị tuyệt vời nên thường được dùng làm các món om và hầm. Hai món ăn với củ sen phổ biến ở Nhật Bản là Kimpara renkon và Karashi renkon.
Kinpara renkon là món ăn đơn giản với củ sen được thái mỏng, xào lên và nêm với đường cùng nước tương, thường được dùng trong các gia đình Nhật Bản hoặc được phục vụ như một món khai vị hoặc món phụ tại các izakaya (quán rượu).
Trong khi đó, Karashi renkon là một món ăn phổ biến ở Kumamoto, được làm bằng cách nhồi củ sen với Karashi (mù tạt Nhật Bản) và tương miso, sau đó phủ một lớp bột đánh tan cùng lòng đỏ trứng rồi mang chiên.
Vì sen được trồng trong điều kiện bùn lầy nên điều quan trọng là phải rửa thật sạch và gọt vỏ trước khi nấu.
4. Củ cải Nhật Bản
Đây là loại củ cải có tên gọi Kabu (かぶ) trong tiếng Nhật, hình cầu màu trắng sáng (đôi khi là màu đỏ), có mùi vị tương tự củ cải thông thường nhưng dịu hơn.
Củ cải Nhật Bản rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin, kali, chất xơ. Người Nhật thường ăn Kabu cùng món salad hoặc dùng để trang trí cho các món ăn phụ. Chúng có thể được ăn sống hoặc nấu nín với phương pháp hầm, ninh, om, rang... đều mang lại hương vị ngọt nhẹ và bổ dưỡng.
Củ cải Nhật có vỏ mềm nên không cần gọt vỏ trước khi ăn mà chỉ cần chà kỹ. Một phương pháp đơn giản để thưởng thức củ cải Nhật thêm đượm vị là cắt chúng thành từng lát mỏng rồi ngâm vào Ponzu (một loại sốt đặc biệt của Nhật Bản). Kabu cũng có thể dùng để chế biến trong các món xào với thịt lợn, làm nguyên liệu nấu súp cùng các loại rau củ khác.
5. Nấm hương
Nấm hương trong tiếng Nhật là Shiitake (椎茸) hay còn gọi là nấm Đông Cô, là một loại nấm mọc trên gỗ quý, có nguồn gốc từ Đông Á.
Nấm có hình dáng như một cái ô, thân trắng thon dài, mũ nấm lớn khoảng 5 – 20cm, dưới mũ có màu trắng nhạt xen lẫn vàng nâu, có mùi thơm và đặc biệt béo khi nấu lên.
Shiitake giàu đạm và có chứa vitamin C, B và một số loại khoáng chất thiết yếu khác cho cơ thể con người. Nấm hương đặc biệt tốt cho các bệnh nhân có vấn đề tim mạch, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ hoạt động của hệ tiếu hóa, cải thiện tình trạng viêm dạ dày, làm giảm cholesterol trong máu, chống lão hóa và kìm hãm sự phát triển của các tế bào ung thư...
Mặc dù đây là loại nấm dễ sống, thường mọc trên những thân cây lớn lá to như cây sồi, cây phong... Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng và kích thước “xịn xò” hơn so với nấm hương mọc dại, người Nhật có quy trình trồng nấm đặc biệt kỳ công và tỉ mỉ.
Ở Nhật mỗi năm có 2 mùa thu hoạch nấm hương, một vụ mùa xuân và một vụ mùa thu. Khi Nhật Bản bước vào mùa thu tháng 10, cũng là thời điểm thu hoạch nấm hương. Nấm hương Nhật Bản chủ yếu được trồng ở Gunma, Ibaraki, Tochigi và Saitama...
Nấm hương có thể dùng ăn tươi hoặc sấy khô. Cũng như nhiều loại nấm khác, nấm hương đặc biệt ngon khi được xào lên hoặc nhúng với nước lẩu. Người Nhật cũng thường dùng nấm hương để nấu súp vì nấm sẽ tăng thêm vị umami đáng kể cho món súp.
Vì vậy, hãy chuẩn bị đầy những giỏ rau củ mùa thu của bạn và gặt hái những lợi ích từ những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có hương vị đậm đà này!
Xem thêm: Cá Buri trở thành đặc trưng của mùa thu Hokkaido
kilala.vn