Lương duyên giữa chàng người Nhật và bát phở Thìn

Bài: KIM NGÂN / Ảnh: NVCCAug 20, 2019

Việc đưa hương vị Việt Nam đến Nhật Bản không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng vì trót phải lòng phở Thìn nên anh Kenji Sumi đã vượt ngàn dặm xa xôi để rước bát phở ngon về quê hương mình.

quán phở Thìn tại Tokyo

Lỡ ăn một lần, say mê một đời

Anh Kenji Sumi vốn là một nhân viên văn phòng, thường xuyên công tác đến Việt Nam. Trong một lần ở Hà Nội, anh được bạn bè dẫn đi ăn phở Thìn nổi tiếng ở số 13 Lò Đúc. Dù đã thưởng thức rất nhiều món ăn Việt Nam nhưng vị nước lèo đậm đà, sợi phở dai mềm của bát phở Thìn đã làm anh trót “đem lòng nhớ thương”. Anh nảy ra ý định đem hương vị thơm ngon này đến cho nhiều người Nhật khác cùng thưởng thức.

sợi phở dai mềm

Vậy là từ đây, anh bắt đầu hành trình mở quán phở Thìn tại Tokyo. Chặng đường vốn không hề dễ dàng này đã lấy đi của anh không ít thời gian, mồ hôi và nước mắt. Nhưng những hoa quả anh gặt hái được thì vô cùng ngọt ngào.

Khó khăn nhất chính là… trái chanh

Kenji muốn nấu được bát phở đúng chất phở Thìn nên anh đã xin được trực tiếp gặp mặt, nói chuyện với bác Thìn – người sáng lập phở Thìn Lò Đúc ở Hà Nội. Nhưng cuộc gặp mặt diễn ra không được suôn sẻ: lúc anh đến thì bác Thìn không có mặt, người phiên dịch lại bận việc không đi cùng anh.

Nhưng có lẽ ông trời cảm động cho sự kiên trì của Kenji. Vào cái ngày cuối cùng anh ở lại Hà Nội, anh đã gặp được bác Thìn. Anh bày tỏ mong muốn đưa bát phở Thìn về quê hương mình và được bác Thìn đồng ý. Kể từ giây phút đó, anh xác định sứ mệnh của mình là phải giữ gìn và kế thừa danh tiếng của phở Thìn Lò Đúc.

bát phở thìn

Vì vậy, trong quá trình mở quán phở Thìn ở Nhật, anh đã để bác Thìn toàn quyền quyết định trong mọi khâu, từ việc tìm kiếm nguyên liệu đến các gia vị làm nước lèo. Bác Thìn là một đầu bếp chuyên nghiệp và vô cùng kỹ lưỡng, nên anh và các thành viên khác đã mất rất nhiều thời gian để tìm được các nguyên liệu mà bác ưng ý.

Nhưng nguyên liệu khó nhất với anh có lẽ phải kể đến là… trái chanh. Ở Việt Nam, mọi người có thể dùng chanh thoải mái, muốn bao nhiêu cũng có do giá rẻ. Nhưng ở Nhật, điều này thật khó vì giá thành của chanh khá đắt. Đau đầu cân đo bài toán chi phí, khảo sát tình hình các quán ăn tại Nhật, anh quyết định mở màn tiên phong dịch vụ: cho phép thực khách dùng chanh thoải mái.

Muốn tạo ra văn hóa ăn phở ở Nhật

Bất chấp mọi khó khăn, được bác Thìn và mọi người xung quanh dành thời gian và công sức để giúp đỡ, đốc thúc quá trình chuẩn bị, anh Kenji Sumi cuối cùng đã có thể khai trương quán phở Thìn đúng thời gian đã định dù khá gấp rút. Điều làm anh bất ngờ là khách đến ăn đông đến nỗi không thể đếm xuể. Vào ngày khai trương, quán đã bán hết hơn 100 bát phở chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ.

tạo ra văn hóa ăn phở ở Nhật

Trong số các thực khách, có nhiều người Nhật đến ăn và cảm ơn anh Kenji Sumi vì đã đem hương vị thơm ngon này đến Nhật Bản. Đây là điều khiến anh hạnh phúc nhất vì đã thực hiện đúng tâm nguyện ban đầu. 

Dù ở Tokyo có không ít quán phở Việt nhưng anh không nghĩ đến việc phải tăng độ cạnh tranh với họ. Vì mục tiêu kinh doanh của anh trong năm nay, ngoài việc muốn quảng bá phở Thìn đến cho nhiều người thưởng thức hơn thì, anh còn muốn tạo một văn hóa ăn uống mới – văn hóa ăn phở ở Nhật Bản. Chẳng hạn như buổi sáng thì ăn phở hoặc sau khi uống rượu thì húp một bát phở nóng…

Về việc khởi nghiệp lĩnh vực ẩm thực ở Nhật Bản, anh Kenji Sumi tâm niệm:

“Tôi nghĩ với việc mà bản thân quyết tâm làm thì chúng ta nên thực hiện đến cùng. Dù thuận lợi hay không thì bạn cũng nên thẳng thắn đối mặt với vấn đề và biến nó thành kinh nghiệm sống của mình. So với việc không làm để rồi hối hận thì việc bạn quyết tâm làm, học hỏi, sửa chữa sẽ có giá trị cao hơn gấp nhiều lần”.

quản lý cửa hàng Phở Thìn ở Tokyo

Kenji Sumi (1983), hiện đang sống tại Ikebukuro, Tokyo. Quản lý cửa hàng Phở Thìn Lò Đúc ở Tokyo, Nhật Bản.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU