Đậu đỏ, hương vị món ngọt truyền thống Nhật Bản

Bài: Lăng Vi/ Ảnh: PIXTAMar 6, 2018

Đậu đỏ là hương vị chủ đạo trong hầu hết các món ngọt của Nhật Bản từ những chiếc bánh Wagashi đến món tráng miệng thanh mát như Anmitsu. Hương vị Nhật Bản sẽ không còn vẹn nguyên nếu thiếu đi loại đậu này.

Đậu đỏ trong món ngọt Nhật Bản

đậu đỏ
(Ảnh: abc/PIXTA)

Đậu đỏ, tiếng Nhật là Azuki, được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ khoảng thế kỷ 3. Khi đó, đậu đỏ được sử dụng như một loại dược liệu có khả năng đào thải độc tố. Bước vào thời đại Nara và Heian, đậu đỏ bắt đầu xuất hiện trong một số loại bánh ngọt mang về từ nhà Đường, mở đầu cho vô vàn những chủng loại bánh Wagashi sử dụng đậu đỏ sau này. Những loại bánh ngọt có đậu đỏ nhiều không đếm xuể, ngoại trừ bánh Higashi, còn lại đa số các loại bánh Wagashi đều sử dụng đậu đỏ làm điểm nhấn. Thời hiện đại, Nhật Bản chào đón sự du nhập của nhiều món tráng miệng ngoại quốc và Nhật Bản hóa chúng bằng cách kết hợp với đậu đỏ. Bánh kếp đậu đỏ, bánh cuộn kem và đậu đỏ, Parfait đậu đỏ,... lần lượt xuất hiện và được yêu thích không kém chi so với món ngọt truyền thống.


Azuki-an

Azuki-an
Koshian nhuyễn mịn nên thường được dùng trong các loại bánh Wagashi. Tsubuan còn nguyên vỏ đậu thường xuất hiện trong các món ngọt khác của Nhật Bản (Ảnh: PIXTA)

Azuki-an là hỗn hợp đậu đỏ ninh đường, đặc biệt phổ biến trong các món ngọt truyền thống Nhật Bản. Trong đó, từ “餡 An” dùng để chỉ dạng hỗn hợp có nguyên liệu chính là đậu hoặc khoai, ninh mềm với đường và nước rồi nghiền nhuyễn. So với vị ngọt của các loại bánh Tây phương, vị ngọt đến từ Azuki-an có phần thanh thoát, dịu dàng và đằm thắm hơn.

Có hai loại Azuki-an phổ biến, là Tsubu-an và Koshi-an. Để làm Tsubu-an, nấu đậu đỏ đến khi mềm, nghiền nhỏ rồi ninh với đường là hoàn thành. Koshi-an cũng có cách làm tương tự nhưng sau khi nấu mềm, phần vỏ đậu được lược bỏ nên hỗn hợp Koshi-an nhuyễn mịn hơn.


Món ngọt đậu đỏ

Wagashi 

Với Wagashi, món bánh ngọt truyền thống Nhật Bản, đậu đỏ giống như linh hồn của bánh. Đậu đỏ thường được sử dụng làm nhân bánh, đôi khi bọc ngoài bánh hoặc hòa với Kanten để làm bánh dạng thạch.

Wagashi

Wagashi, bánh ngọt truyền thống Nhật Bản (Ảnh: promolink/PIXTA)


Yogashi 

Yogashi là tên gọi chung của các loại bánh du nhập từ nước ngoài vào Nhật Bản. Những chiếc bánh cuộn nhân đậu đỏ, hay bánh ngàn lớp phủ Azuki-an,... không còn là hình ảnh quá mới lạ nữa.

bánh ngàn lớp phủ đậu đỏ

(Ảnh: enrishrose/PIXTA)


Parfait

Parfait là món ăn ngọt có nguyên liệu khá phong phú mà thường thấy là kem tươi, trái cây và bánh. Món Parfait mang đậm nét Nhật Bản chính là Matcha Parfait với thành phần là kem trà xanh, Shiratama Dango và tất nhiên là không thể thiếu đậu đỏ.

Matcha Parfait

(Ảnh: the4moose)


Anmitsu 

Anmitsu là một món ngọt có hương vị thanh mát với các thành phần là thạch Kanten cắt khối vuông, đậu đỏ Azuki-an, bánh Gyuhi hoặc Shiratama Dango, trái cây và nước đường. Đây là món ăn không thể thiếu ở các quán trà Nhật Bản.

Anmitsu

(Ảnh: harupct/PIXTA)


Kuriimu Anmitsu 

Kuriimu Anmitsu là món Anmitsu dùng với kem. Vị kem được yêu chuộng hơn hết thảy là kem vani và kem trà xanh.

Kuriimu Anmitsu

(Ảnh: prof1649/PIXTA)


Shiratama Azuki 

Đây là món ăn kết hợp bánh Shiratama Dango và đậu đỏ ninh đường. Shiratama Dango làm từ bột Shiratama - một loại bột sản xuất từ gạo nếp, có hình viên tròn, không có nhân và hơi dẻo.

Shiratama Azuki

(Ảnh: chikaphotograph/PIXTA)


Kakigori 

Món đá bào trứ danh Nhật Bản. Hương vị truyền thống chính là đá bào trà xanh dùng với đậu đỏ ninh đường đặt bên trên.

Kakigori

(Ảnh: donguri/PIXTA)


Shiruko 

Shiruko là món chè với phần nước ngọt được nấu từ Azuki-an và dùng chung với bánh dày nướng hoặc hạt dẻ hay Shiratama Dango. Món ăn này trông tương tự với chè đậu đỏ của Việt Nam.

Shiruko

(Ảnh: june./PIXTA)


Zenzai 

Cũng dùng chung với bánh dày nướng, nhưng Zenzai đặc và ngọt hơn Shiruko do thành phần chính là đậu đỏ Azuki-an nấu, chứ không phải nước nấu Azuki-an như Shiruko.

Zenzai

(Ảnh: promolink/PIXTA)

Lăng Vi/ kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU