Nghe đến cụm từ ăn vặt, người ta liền nghĩ ngay đến những món ăn nhanh nhưng không no, kích thích vị giác và không có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong bài viết dưới đây, Kilala sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn bằng 5 món ăn vặt vô cùng lành mạnh tại Nhật Bản.
Món ăn vặt lành mạnh đã xuất hiện vài năm gần đây trên thị trường Nhật Bản. Các món này chủ yếu chứa chất xơ và protein, có thể tăng năng lượng bổ sung cho cơ thể trong các bữa phụ. Những món ăn vặt này giúp bạn không cần ăn quá nhiều vẫn có thể no, cũng như giảm lượng calo không cần thiết. Cùng Kilala điểm qua những món ăn vặt này nhé!
Cá hạnh nhân
Món này chính là sự kết hợp giữa cá mòi sấy khô và hạt hạnh nhân giã nhỏ. Hạnh nhân được xem là loại hạt dùng trong những bữa ăn nhẹ vô cùng phổ biến ở các nước phương Tây. Do đó, người Nhật đã kết hợp loại hạt này cùng với cá mòi sấy khô.
Xuất hiện trên thị trường từ giữa những năm 1980, món ăn vặt này nhằm mục đích tăng cường canxi cho những người bị chấn thương về xương khi chơi thể thao. Món cá hạnh nhân này bắt đầu phổ biến khắp Nhật Bản khi nó được đưa vào các bữa trưa tại trường cho học sinh.
Đậu nành
Đậu nành là một trong những nguồn protein thực vật tốt nhất, có nhiều chất xơ nhưng ít carbohydrate. Đậu nành được sử dụng để làm đậu phụ, và được xem là xương sống trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Từ đậu nành, người Nhật đã chế biến được một vài món ăn vặt sau:
Edamame (枝豆): Đậu nành non hay còn gọi là đậu nành nguyên trái. Đây là những hạt đậu nành chưa lớn, vẫn còn đang phát triển trong vỏ. Edamame là một món ăn nhẹ mùa hè tinh túy - đặc biệt là do khả năng tương thích với bia - chẳng hạn như edamame luộc.
Món edamame luộc với một ít muối có sẵn quanh năm trong các cửa hàng tiện lợi và trong khu vực đông lạnh của siêu thị. Trong các siêu thị, bạn có thể thấy chúng được bán dưới dạng cha-mame hoặc Dadacha-mame, một loại edamame ngon hơn.
Iri-daizu (煎り大豆): Đậu nành rang. Đây là loại đậu nành được dùng để ném xung quanh nhằm xua đuổi ma quỷ và điều xấu trong Lễ hội Setsubun vào đầu tháng 2. Đậu nành rang là một món ăn rất tuyệt vời, giòn giòn và có mùi bùi như hạt dẻ.
Đậu nành rang được chế biến với nhiều hương vị khác nhau như vị ngọt, hoặc hương đậu nành hoặc có thêm rong biển. Có những loại dù không cần phải thêm đường và muối thì vị vẫn ngon.
Vào những thời điểm khác trong năm, rất khó tìm thấy đậu nành rang. Vẫn có một số cửa hàng bán món ăn này quanh năm, nhưng bạn vẫn có thể tự rang tại nhà với nguyên liệu là đậu nành khô có thể mua trong siêu thị bất cứ lúc nào.
Rong biển
Nhật Bản là một quốc gia được bao bọc bởi biển nên nguồn cung hải sản rất dồi dào. Trong số đó, rong biển là một trong số những món vô cùng thích hợp để làm món ăn vặt. Rong biển rất giàu glutamate, một loại axit amin được cho là mang lại hương vị thơm ngon, vị umami (vị ngon, vị ngọt thịt) và hàm lượng chất xơ cao sẽ tạo cảm giác no mặc dù nó ít calo. Ngoài ra, thành phần rong biển còn có chất chống oxy hóa, các vitamin và khoáng chất khác nhau.
Một số loại rong biển phổ biến tại Nhật:
+Nori: rong biển khô. Đây là loại rong biển ăn được thuộc giống rong đỏ Pyropia Loại rong biển sấy khô không ướp vị được gọi là "yaki-nori". Đây cũng là loại nori phổ biến nhất, thường được dùng để cuốn sushi. Tuy nhiên, khi dùng kèm cơm trắng hoặc dùng làm món ăn vặt, người Nhật thường chuộng loại rong biển khô có tẩm vị gọi là "ajitsuke-nori".
+Kombu: tảo bẹ dày. Đây là loại tảo bẹ ăn được, khá phổ biến ở các quốc gia Đông Á. Ở một số nơi nó được gọi là haidai hoặc dasima. Hương vị lưu lại lâu, rất thích hợp để nhâm nhi nên đôi khi nó được gọi là oshaburi kombu.
Vào đầu những năm 1900, kombu đã được chế biến thành một món ăn vặt tên là miyako kombu, được mệnh danh là kẹo cao su đầu tiên của Nhật Bản.
+Wakame: đây là một loại rong biển mỏng, mềm rất phổ biến ở nhật, còn có tên gọi khác là tảo bẹ Undaria. Wakame thường được dùng để làm salad và nấu súp miso. Wakame cũng được chế biến thành các món ăn nhẹ, phổ biến nhất là wakame giòn với vừng. Một sản phẩm phổ biến khác là kuki wakame, là phần thân dày hơn của wakame.
Tuy nhiên phụ nữ mang thai nên cân nhắc trong việc chọn rong biển làm món ăn vặt để tránh việc hấp thụ quá nhiều i-ốt.
Khoai lang
Khoai lang đã có mặt ở Nhật Bản từ khoảng năm 1600 và đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp quốc gia này vượt qua nạn đói. Sau những đợt hạn hán vào đầu những năm 1700 khiến các vụ lúa bị thất thu, khoai lang đã được chọn làm thực phẩm chủ yếu thay thế và được đưa vào vùng Kanto quanh Tokyo. Chính những cũ khoai lang đã hạn chế số người tử vong do nạn đói.
Khoai lang có nhiều chất xơ, đặc biệt nếu bạn ăn cả vỏ khoai. Chất xơ và carbohydrate có trong khoai lang có thể giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Khoai lang rất giàu chất chống oxy hóa, chứa vitamin C, khoáng chất và vitamin A.
Nếu đã đến Nhật Bản, chắc chắn phải thử món khoai lương nướng - yaki-imo. Tuy đơn giản nhưng đây là cách chế biến làm nổi bật trọn vẹn hương vị thơm ngon của khoai lang Nhật. Đặc biệt vào mùa đông, món này còn được bán tại các cửa hàng tiện lợi và một số siêu thị.
Konnyaku
Konnyaku, hay còn gọi là "thạch nưa" được làm từ củ của cây lưỡi quỷ (cây nưa) và chứa khoảng 97% nước, phần còn lại chủ yếu là chất xơ. Một số người gọi nó là thực phẩm ăn kiêng với hàm lượng calo gần bằng 0.
Tương tự như món đậu hũ, có rất nhiều cách để chế biến Konnyaku thành những món ăn có hương vị phong phú. Konnyaku cũng có xu hướng hấp thu những hương vị nấu cùng với nó, càng nấu lâu thì lại càng ngon và đậm đà. Chính vì vậy mà ở Nhật Bản, người ta có bán những tảng Konnyaku được ngâm trong nhiều loại gia vị rất hấp dẫn.
Gần đây, konnyaku đã được chế biến thành các sản phẩm thạch ngọt. Không giống như thạch thông thường, konnyaku không tan chảy trong miệng và cần phải được nhai kỹ.
kilala.vn