Southern All Stars - nhóm nhạc quốc dân hơn bốn thập kỷ
Bài: Rin
Apr 15, 2022
Nguồn: Nippon
Ảnh bìa: barks.jp
Được mệnh danh là nhóm nhạc quốc dân của Nhật Bản, Southern All Stars được mọi lứa tuổi ở xứ sở anh đào mến mộ. Dù đã kỷ niệm 40 năm ra mắt vào năm 2018, những nghệ sĩ U60 vẫn giữ ngọn lửa nhiệt huyết để tiếp tục ra mắt nhiều bài hát mới và thực hiện các chuyến lưu diễn toàn quốc, thu hút đến 500.000 người tham dự.
Vì sao Southern All Stars được gọi là nhóm nhạc quốc dân?
Southern All Stars (サザンオールスターズ), gọi tắt là Sazan hoặc SAS, ra mắt vào năm 1978 với 5 thành viên: hát chính, guitar kiêm nhạc sĩ Keisuke Kuwata, 66 tuổi; guitar bass Kazuyuki Sekiguchi, 66 tuổi; trống Hiroshi Matsuda, 66 tuổi; nhạc cụ bộ gõ Hideyuki Nozawa, 67 tuổi và thành viên nữ duy nhất, hát và keyboard Yuko Hara, 65 tuổi.
Sau khi ký hợp đồng với công ty Victor Entertainment, nhóm "debut" với đĩa đơn "Katte ni Shindobaddo" vào năm 1978 và nhanh chóng lọt Top 10 BXH Oricon. Kể từ đó, Southern All Stars trở thành một trong những nhóm nhạc bán chạy nhất trong suốt 30 năm ở Nhật với hơn 47 triệu album và đĩa đơn chỉ tính riêng tại quốc gia này.
Ca khúc thành công nhất về mặt thương mại của nhóm, "Tsunami", phát hành năm 2000 và bán được 2,9 triệu bản tại Nhật, đã giúp SAS chiến thắng tại giải thưởng danh giá Japan Record Awards lần thứ 42.
Chưa có ban nhạc nào liên tục tạo ra nhiều bản “hit” và giữ vị trí hàng đầu trong nền âm nhạc Nhật Bản lâu đến như vậy. Dù trong
suốt quá trình hoạt động, một số thành viên cũng tách riêng
và có một số dự án khác, tuy vậy độ nổi tiếng của Southern All Stars chưa
bao giờ suy giảm.
Danh tiếng bền vững theo năm tháng, được mọi lứa tuổi ở Nhật biết đến, vì thế Southern All Stars thường được gọi là “nhóm nhạc quốc dân Nhật Bản”.
Gần đây nhất, vào năm 2018, tại đại nhạc hội truyền hình cuối năm “Kouhaku uta gassen” của đài NHK kết thúc thời đại Heisei, nhóm nhạc đã trình diễn những ca khúc nổi tiếng nhất của mình như “Kibou no wadachi” và “Katte ni Shindobaddo”. Đây là một vinh dự đặc biệt bởi không phải nhóm nhạc nào cũng có cơ hội được trình diễn bế mạc chương trình sở hữu tỷ suất người xem cao nhất nước Nhật.
Mãi như ngày đầu
Người Nhật dành tình yêu đặc biệt cho Southern All Stars bởi mặc cho sự nổi tiếng vượt thời gian, nhóm chưa bao giờ tạo khoảng cách với người hâm mộ. Được biết, nhóm nhạc xuất thân từ một câu lạc bộ âm nhạc sinh viên của Đại học Aoyama Gakuin, quận Shibuya, Tokyo.
Gọi mình là “All Stars” nhưng rõ ràng họ không hành xử như những người nổi tiếng mắc "bệnh ngôi sao". Thậm chí, dù sau 40 năm hoạt động, band vẫn giữ được sự ngây thơ như ngày đầu vào nghề. Các thành viên vẫn luôn chuyện trò, đùa giỡn với nhau như những cô cậu sinh viên đại học cháy hết mình cùng đam mê âm nhạc.
Nhưng đây chỉ là những mô tả dành cho tính cách của họ, còn chất lượng âm nhạc và các buổi biểu diễn vẫn luôn duy trì ở top đầu.
Thử thách nhiều thể loại âm nhạc
Các thể loại từ rock, blue, soul, Latin, dân ca, reggae, funk, nhạc điện tử hay Kayoukyoku đều được Southern All Stars thể hiện. Dù nhiều nhóm nhạc khác cũng làm điều tương tự, nhưng chưa ai đạt được thành công rực rỡ khi trình diễn nhiều thể loại âm nhạc khác nhau với chất riêng như Southern All Stars.
Kayoukyoku là âm nhạc pha trộn giữa nhạc dân gian truyền thống Nhật Bản với các giai điệu phương Tây được du nhập từ thời Meiji (1868 – 1912). Đây được xem là nền tảng cho nền J-pop hiện đại. Tờ Japan Times mô tả Kayoukyoku như “nhạc pop tiêu chuẩn của nước Nhật” hay “nhạc pop thời Showa”.
Vào tháng 01/1982, Southern All Stars ra mắt đĩa đơn “Chako no Kaigan Monogatari”, một ca khúc được ca sĩ kiêm nhạc sĩ chính của band - Kuwata Keisuke sáng tác theo phong cách Kayoukyoku. Ông cũng bắt chước kiểu hát ngọng của Toshihiko Tahara, một trong những nam ca sĩ thần tượng nổi tiếng nhất Nhật Bản lúc bấy giờ. Ca khúc vô cùng được yêu thích và trở thành một trong những đĩa đơn thành công nhất của nhóm.
Hơn 40 năm hoạt động, Southern All Stars luôn tạo ra loại âm nhạc pha trộn giữa sự nhẹ nhàng và năng động. Kuwata Keisuke luôn là người thêm vào hương vị mới cho các bài hát của nhóm, vừa bắt kịp xu thế, vừa dự đoán thể loại nhạc trong tương lai.
Thỉnh thoảng, ông lại mang đến những thử thách "khó nhằn", nhưng nó cũng chứng minh nỗ lực trải nghiệm cái mới của Kuwata, và đây cũng chính là nét hấp dẫn riêng của nam ca sĩ.
Giai điệu vượt xa lời hát
Để dõi theo lịch sử hơn 40 năm của Southern All Stars, hai album kinh điển không thể bỏ qua là “Umi no Yeah!” (1998), bao quát 2 thập kỷ hoạt động đầu tiên của nhóm, và “Umi no Oh, Yeah!” (2019) là thập kỷ hoạt động thứ 3 và 4 của nhóm. Mỗi album gồm 2 đĩa CD.
Ngoài ra, ca khúc debut “Katte ni Shindobaddo” chính là bài hát đầu tiên mà bạn nên nghe nếu muốn tìm hiểu về họ. Đó là ca khúc mang sự hòa trộn giữa rock 'n roll và samba, giai điệu của nó quen thuộc với tất cả người Nhật. Tuy vậy, không nhiều người nhớ về lời ca.
Người sáng tác ca khúc này, Kuwata Keisuke, lớn lên ở thành phố Chigasaki, tỉnh Kanagawa. Lời bài hát được ông viết trong chuyến trở về quê nhà sau khi tham quan hòn đảo du lịch Enoshima nổi tiếng của tỉnh Kanagawa.
Phần điệp khúc của ca khúc, “Ima nanji? Soune daitai ne", tạm dịch “Bây giờ là mấy giờ? À, đại khái là thế”. Mặc dù, câu trả lời hoàn toàn không đúng trọng tâm và khá kỳ quặc nhưng đó chính là phong cách viết lời đặc trưng của Kuwata lúc bấy giờ.
Ông bắt đầu viết giai điệu với mục đích thêm lời bài hát bằng tiếng Anh, nhưng sau đó ông lại chuyển sang tiếng Nhật. Với Kuwata, thanh điệu của các từ quan trọng hơn ý nghĩa của chúng, nên nếu nó vô nghĩa, ông vẫn chấp nhận. Có lẽ, Kuwata là người đầu tiên tại Nhật sáng tác lời theo cách táo bạo như vậy.
Lời bài hát có những chỗ khó hiểu nhưng người Nhật vốn đã yêu thích nhạc pop, rock nước ngoài, thưởng thức thanh điệu của từ ngữ dù họ không hiểu ý nghĩa của nó. Họ có thể không nắm bắt nghĩa của bài hát, nhưng trái tim họ rung động trước nhịp điệu sôi động. Kuwata hiểu rõ phong cách thưởng thức nhạc ấy nên đã ứng dụng nó vào các sáng tác của bản thân.
"Umi no Yeah!", album kinh điển đầu tiên của nhóm chính là một ví dụ điển hình cho việc Kuwata giúp người nghe thỏa mãn nhịp điệu, giai điệu hơn là lời bài hát.
Tôn vinh vẻ đẹp của tiếng Nhật
Ra đời sau album kinh điển đầu tiên 20 năm, album kinh điển thứ hai “Umi no Oh, Yeah!” có đôi chút khác biệt. Ở album thứ hai này, Kuwata tập trung vào những âm thanh đẹp đẽ và sắc thái tinh tế của tiếng Nhật, rồi mang chúng vào giai điệu và lời bài hát trong các ca khúc.
Ca khúc mở đầu của album là “Tsunami”, một bài hát trữ tình kể về những ký ức tình yêu vừa ngọt ngào vừa cay đắng của một người đàn ông sắp bước sang tuổi trung niên. Lời ca khúc được trau chuốt đến từng từ ngữ, trái ngược hẳn với phong cách viết nhạc trước đó vốn ít ưu tiên ý nghĩa của Kuwata.
Trong khoảng thời gian này, các ca khúc do Kuwata sáng tác ngày càng được chú trọng về mặt ý nghĩa và đều mang thông điệp riêng, nhưng những thông điệp này không quá sâu sắc mà hướng đến đại chúng. Chẳng hạn như, lời bài hát “Peace and Hi-lite” (cách chơi chữ hai thương hiệu thuốc lá nổi tiếng của Nhật) truyền tải thông điệp về hòa bình và sự vô nghĩa của chiến tranh.
Bên cạnh tiếng Nhật, nhóm còn sáng tác các ca khúc bằng tiếng Anh và cả tiếng Tây Ban Nha, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho khán giả Nhật lẫn người nước ngoài. Gần đây nhất, nhóm đã thực hiện chuyến lưu diễn trên khắp Nhật Bản từ ngày 30/03/2019.
kilala.vn