Những nghệ sĩ Nhật Bản tiêu biểu của dòng nhạc điện tử

Bài: Happy
Feb 1, 2023

Nguồn: Gaijinpot

Mặc dù nổi tiếng là xứ sở công nghệ cao, nhưng tại Nhật Bản, số lượng nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc điện tử lại tương đối ít. Dưới đây là năm nghệ sĩ nhạc điện tử tiêu biểu của đất nước Mặt trời mọc mà các tín đồ của dòng nhạc hiện đại này nên bổ sung ngay vào playlist!

1. Ken Ishii

Ken Ishii là một DJ và nhà sản xuất âm nhạc đến từ Sapporo, hoạt động từ những năm 90. Các tác phẩm âm nhạc được ông phát hành dưới tên riêng cũng như dưới các nghệ danh: FLR, Flare, UTU, Yoga và Rising Sun.

DJ Nhật Bản - ken ishii
Ảnh: 909originals.com

Nam DJ sinh năm 1970 ra mắt vào năm 1993 qua hãng nhạc R&S Records của Bỉ. Trong năm đó, ông liên tiếp giành vị trí số 1 trên bảng xếp hạng nhạc Techno của tạp chí phê bình âm nhạc NME, Anh Quốc, điều này đã đưa ông đến với sự công nhận trên toàn thế giới.

Năm 1995, Ishii phát hành “Jelly Tones”, một album được đánh giá cao. MV cho đĩa đơn “Extra” từ album đã giành giải “Video nhạc Dance của năm” của MTV Châu Âu vào năm 1997. Kể từ đó, Ken được quốc tế coi là một trong những nghệ sĩ tiên phong của Nhật Bản có thể tạo ra âm thanh điện tử đẳng cấp thế giới.

Năm 1998, Ken Ishii đã sản xuất bài hát chủ đề chính thức cho Thế vận hội mùa đông ở Nagano, Nhật Bản. Ca khúc sau đó đã được phát ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. Sau đó vào năm 2000, Kenji Ishii đã được phỏng vấn và xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Newsweek, Mỹ và được coi là biểu tượng của nền văn hóa mới của Nhật Bản.

Ishii cũng tham gia sản xuất âm nhạc cho các bộ phim, tiêu biểu là bài hát và nhạc chủ đề cho bộ phim Nhật Bản ăn khách "Whiteout" vào năm 2000, đã mang về đề cử tại Giải Viện Hàn lâm Nhật Bản cho nam nghệ sĩ.

Không dừng lại đó, nam DJ đã mở rộng ranh giới và thử sức với việc sản xuất nhạc nền cho các trò chơi điện tử. "Creation the State of Art" do Ishii sáng tác, được sử dụng trong cấp độ thứ ba của trò chơi điện tử Rez năm 2001 đã trở thành một bản hit đình đám.

2. Nujabes

Nujabes (7/2/1974 – 26/2/2010) là một DJ và nhà sản xuất âm nhạc hip hop hàng đầu của Nhật Bản. Nghệ danh độc đáo Nujabes thường được sử dụng khi thu âm là cách đánh vần ngược lại tên gọi Seba Jun của cố nghệ sĩ.

DJ Nhật Bản - nujabes
Ảnh: The Japan Times

Anh là chủ sở hữu của chuỗi phòng thu đặt tại Shibuya, T Records và Guinness Records, đồng thời là người sáng lập ra hãng thu âm độc lập Hydeout Productions. Nujabes nhận được sự hoan nghênh rộng rãi với cách tiếp cận âm nhạc hip hop độc đáo và sáng tạo của mình.

Pha trộn các sample nhạc jazz với nhịp điệu mượt mà, Nujabes đã tạo ra các bản nhạc gợi lên tâm trạng, sự rung cảm ngay lập tức. Vì điều này, nam nghệ sĩ được gọi là “cha đỡ đầu” của lo-fi, thể loại xuất hiện nhiều trên internet trong thời gian gần đây, thường được sử dụng làm nhạc nền trong các video học bài đêm khuya.

Nujabes qua đời trong một tai nạn giao thông vào năm 2010, để lại sự nghiệp âm nhạc đang lên dở dang, nhưng những ảnh hưởng trong âm nhạc của cố nghệ sĩ vẫn tồn tại cho đến hôm nay.

3. Goth-Trad

Goth-Trad là nghệ danh của Takeaki Maruyama, nhà sản xuất với phong cách độc đáo nổi tiếng với thể loại Dubstep, một thể loại nhạc điện tử bắt nguồn từ phía Nam Luân Đôn vào cuối thập niên 90 và là một trong những nghệ sĩ được chú ý nhất trong thế hệ của mình.

goth trad
Ảnh: ra.co

Sự nghiệp âm nhạc của Goth-Trad bắt đầu từ năm 1998. Giai đoạn từ 2001-2004, Goth-Trad ngày càng nổi tiếng trong giới underground Tokyo và thực hiện chuyến lưu diễn châu Âu đầu tiên. Năm 2006, nam nghệ sĩ thâm nhập thị trường quốc tế với album thứ 3 mang tên "Mad Raver's Dance Floor", chủ yếu nhờ vào "Back To Chill", tựa đề của ca khúc cũng trở thành tên của đêm nhạc Dubstep hàng tháng của Goth-Trad ở Tokyo.

4. Soichi Terada

Khi Goth-Trad tạo ra âm nhạc cho những đêm dài tăm tối của tâm hồn, thì Soichi Terada lại hoàn toàn ngược lại. Nhà soạn nhạc điện tử sinh năm 1965 với nụ cười rạng rỡ, tươi tắn đã tạo ra những bản nhạc Deephouse dễ chịu.

soichi terada
Ảnh: electronicbeats.net

Được truyền cảm hứng từ thứ âm nhạc được nghe trong các club ở New York vào những năm 80, Terada đã bắt đầu cày xới “mảnh đất màu mỡ” của Deephouse cổ điển kể từ đó.

Terada bắt đầu sản xuất âm nhạc vào năm 1989 với bài hát "Sun Shower" cho ca sĩ Nami Shimada. Một năm sau, ông cùng đồng nghiệp Shinichiro Yokota thành lập hãng Far East Recording và phát hành album đầu tay cùng tên vào năm 1992.

Năm 1999, sau khi phát hành album Sumo Jungle, Terada đã có cơ hội sáng tác cho tựa game điện tử Ape Escape.

5. Qrion

Sinh ra và lớn lên ở thành phố tuyết Sapporo, Qrion, tên thật là Momiji Tsukada hiện đang sinh sống và làm việc tại San Francisco, Hoa Kỳ. Nữ nghệ sĩ sinh năm 1994 là một nhà sản xuất nhạc dance đang lên, tạo nên những làn sóng mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Nữ DJ Nhật Bản - qrion
Ảnh: loopcentral.vn

Khi còn là học sinh trung học, Qrion đã bắt đầu tạo ra âm thanh của riêng mình từ chiếc điện thoại như một sở thích. Bước ngoặt cuộc đời xảy đến khi cô nàng biến “Iphone Bubling”, một bản chuông báo tin nhắn mặc định nhàm chán của chiếc Iphone trở thành giai điệu hấp dẫn khiến bất kỳ ai cũng phải nhún nhảy theo.

Lấy cảm hứng từ môi trường, âm thanh đặc trưng của Qrion thể hiện tính nghệ thuật đích thực. Cô sử dụng tiếng ồn của thế giới xung quanh để tạo ra những bài hát gần gũi được neo giữ bởi nhịp điệu tràn đầy năng lượng. Từ những giai điệu nhẹ nhàng, tinh tế đến những bản nhạc sàn của thập niên 90, Qrion mang đến sự linh hoạt cho âm nhạc điện tử.

Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc, Qrion đã trở thành nhân tố chính của các hãng thu âm nổi tiếng như Anjunadeep, Last Night On Earth, Mad Decent, Ultra Music... Phong cách có một không hai của cô cũng nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhân vật nổi tiếng trong ngành.

Năm 2020, Qrion có tên trong danh sách 30 Under 30 (30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi) của Forbes Nhật Bản. Nữ nghệ sĩ 9x còn sở hữu nhiều thành tích đáng nể khác như ghi tên mình vào top 20 album nhạc Dance xuất sắc nhất của Billboard năm 2021 với album đầu tay “I Hope It Lasts Forever”.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU