Ajinomoto và hành trình mang vị Umami ra khắp năm châu

Bài: Ngân Hà
Jul 31, 2020

Ảnh: PIXTA, Ajinomoto

Ít ai biết rằng đằng sau hương vị nước dùng thanh ngọt thân quen của một thương hiệu Nhật Bản đã hơn 100 năm là một câu chuyện về sự tận tâm trong nghiên cứu khoa học và ước mơ cải thiện dinh dưỡng dân tộc của một vị giáo sư hóa học người Nhật.

Phát hiện làm thay đổi nền công nghiệp ẩm thực

Câu chuyện về loại gia vị quen thuộc với mọi gia đình Việt này bắt đầu vào năm 1907. Khi đó, ông Kikunae Ikeda – giáo sư, tiến sĩ trường Đại học Hoàng gia Tokyo – sau khi thưởng thức món đậu phụ nấu với kombu dashi (một loại nước dùng ninh từ tảo bẹ kombu) đã khám phá ra một vị thanh ngọt độc đáo nằm ngoài 4 vị cơ bản mặn – ngọt – chua – đắng thông thường. Điều đặc biệt là vị này khiến món ăn trở nên ngon miệng hơn hẳn. Tò mò và hứng thú trước phát hiện này, ông bắt đầu tiến hành nghiên cứu thành phần của tảo bẹ kombu để tìm ra bí mật đằng sau vị thanh ngọt của nước dùng. Năm 1908, ông nhận ra chính glutamate – một loại axit amin có trong tảo bẹ kombu là thành phần tạo ra vị ngon đặc trưng đó. Ông đã đặt tên cho vị thứ 5 này “Umami”, có nghĩa là “vị ngon”. Vậy là bên cạnh 4 vị cơ bản, nền ẩm thực còn chào đón thêm một hương vị thứ 5 vô cùng độc đáo, đó chính là vị Umami.

ông kikunae ikeda
Ông Kikunae Ikeda – giáo sư, tiến sĩ trường Đại học Hoàng gia Tokyo. (08/10/1864 - 03/05/1936)

Cũng trong khoảng thời gian này, Hiizu Miyake – vị bác sĩ tiên phong trong ngành y học hiện đại ở Nhật Bản, đã đưa ra một giả thuyết cho rằng hương vị ngon miệng của món ăn sẽ thúc đẩy việc tiêu hóa, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khi biết đến giả thuyết này, giáo sư Ikeda càng dồn nhiều tâm huyết trong nghiên cứu của mình. Cách đó nhiều năm, trong khi du học tại Đức, ông đã cực kỳ ấn tượng trước vóc dáng cao lớn và sự rắn rỏi của người dân ở đây nên đã bắt đầu hình thành suy nghĩ về việc cải thiện chế độ ăn uống của người Nhật để dân tộc mình cũng có thể khỏe mạnh như vậy. Do đó, giả thuyết của bác sĩ Hiizu Miyake đã thôi thúc ông đào sâu nghiên cứu để có thể mang vị Umami phổ biến rộng rãi đến mọi người.

Thành công tiếp nối thành công

Năm 1909, giáo sư Ikeda cuối cùng cũng thành công trong việc tìm ra phương pháp để sản xuất đại trà vị Umami bằng cách kết hợp chất glutamate với muối (sodium), tạo thành hợp chất monosodium glutamate (MSG), với tên gọi thông dụng là mì chính hoặc bột ngọt. Sau phát minh quan trọng này, giáo sư Ikeda đã bắt tay với Saburosuke Suzuki II để kinh doanh và phân phối loại gia vị có tên gọi AJI-NO-MOTO® đầu tiên trên thế giới. Công ty Ajinomoto được sáng lập với phương châm “Eat Well, Live Well” (tạm dịch: “Ăn ngon, sống khỏe”) xuất phát từ mơ ước cải thiện nền dinh dưỡng cho dân tộc Nhật Bản của hai nhà sáng lập. Với nhiều ưu điểm như tiện lợi, dễ sử dụng, giá thành hợp lý mà lại có thể mang lại vị ngon chân thực hệt như nước dùng làm từ thịt, gia vị Umami nhanh chóng được ưa thích ở thị trường Nhật Bản và sau đó lan ra khắp năm châu.

hạt nêm ajinomoto
Ajinomoto - tinh chất của vị umami.

Vị ngon của Umami chinh phục thế giới

Xuyên suốt hơn 100 năm lịch sử, Ajinomoto không ngừng đa dạng hóa các dòng sản phẩm của mình để duy trì sức cạnh tranh giữa thị trường đồ ăn chế biến sẵn ngày càng phát triển mạnh ở Nhật. Vào thập niên 1960, công ty Ajinomoto tung ra thị trường bột nêm Knorr qua sự liên doanh với một công ty Hoa Kỳ. Với những chiến lược quảng bá không ngừng nghỉ, Ajinomoto tiếp tục dấn vào lĩnh vực mới – xốt mayonnaise béo ngậy làm từ lòng đỏ trứng gà, dầu đậu nành và các gia vị khác.

Thập niên 1970 và 1980 đánh dấu sự tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế Nhật Bản. Doanh thu của Ajinomoto vẫn giữ được những thành tích ấn tượng. Lý do là ngày càng có nhiều phụ nữ Nhật Bản hiện đại tham gia vào thị trường lao động thay vì chỉ đảm nhiệm nội trợ như trước. Không có nhiều thời gian dành cho việc nấu nướng, nên nhu cầu sử dụng các loại nguyên liệu và gia vị hỗ trợ cho việc chế biến bữa ăn cũng vì thế mà tăng cao. Tất nhiên, Ajinomoto đã không bỏ qua cơ hội này.

vị umami
Vị umami cho món ăn ngon.

Bước sang thập niên 1990, tập đoàn Ajinomoto bắt đầu giao dịch với các tập đoàn lớn chuyên về sản xuất enzyme (enzyme vốn được dùng để cải thiện kết cấu của đồ ăn liền), đồng thời thành lập các chi nhánh công ty ở thị trường nước ngoài. Không chỉ dừng ở lĩnh vực gia vị, Ajinomoto cũng mạnh mẽ tiến sang các lĩnh vực mới khác như đồ ăn chế biến sẵn và đông lạnh như mì tôm, gà rán karaage, há cảo gyoza, v.v. hay thậm chí là cà phê uống liền và đều gặt hái những thành công đáng kể. Từ khi đặt chân vào thị trường Việt Nam vào năm 1991 với nhà máy đầu tiên được khánh thành tại Biên Hòa, Ajinomoto cũng trở thành một nhãn hàng thân quen với người tiêu dùng Việt Nam.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU