List 6 tác phẩm văn học Nhật "khó đọc"

Bài: An Thuỷ
Jan 10, 2019

Cover: Readacity

Văn học Nhật thường nổi tiếng bởi tính hàm súc và ẩn dụ cao, chính vì thế khá kén độc giả. Những tác phẩm táo bạo nhất, chất chở nhiều ý niệm nhất, lại thường khó đọc. Khó đọc bởi chiều sâu tư tưởng không phải ai cũng lĩnh hội được, bởi cách tiếp cận quá trần trụi những vấn đề nhạy cảm. Nhưng chính những tác phẩm như thế đã làm nên tính cuốn hút kì lạ của văn học Nhật. Kilala giới thiệu đến các bạn những tác phẩm văn học kinh điển “khó đọc” trong các tác phẩm văn học Nhật đã xuất bản tại Việt Nam.

1. Rừng Nauy - Haruki Murakami 

“Cứ 7 người Nhật thì có một người đọc Rừng Nauy”. Đây là tác phẩm thường đứng đầu list sách văn học Nhật Bản khuyên đọc và hẳn đã được gần hết mọt sách “nghía” qua. Nhưng có bao nhiêu người có thể dễ dàng đọc trọn Rừng Nauy? Là tác phẩm đại diện cho “vũ trụ Haruki Murakami”, Rừng Nauy mang đậm phong cách của nhà văn nổi tiếng chuyên viết về bản năng nguyên thủy của loài người - tình dục. Bên cạnh những vấn đề khá nhạy cảm, tác phẩm đong đầy những suy tư, mâu thuẫn của người trẻ khiến không khí truyện nhìn chung không mấy tươi sáng. Văn phong triết lí, nhiều hình ảnh trừu tượng và ẩn dụ cũng góp phần giúp Rừng Nauy trở thành một tác phẩm có chiều sâu nội dung mà không phải độc giả nào cũng hoàn toàn thấu hiểu được.
Rừng Nauy

2. Màu xanh trong suốt - Ryu Murakami 

Nhắc đến văn chương của Ryu Murakami, nhà văn từng được tạp chí Time bình chọn là “1 trong 11 người cách mạng hóa Nhật Bản”, ta dễ nghĩ đến những tác phẩm độc đáo và trần trụi đến mức đôi lúc gây sốc. Màu xanh trong suốt là một tác phẩm như thế. Khắc họa cuộc sống trụy lạc của một thế hệ thanh niên Nhật Bản, cuốn sách tràn ngập những vấn đề nhạy cảm: ma túy, sinh hoạt tình dục, tự tử… đủ để khiến người đọc có “tinh thần thép” cũng phải rùng mình. 
Tác giả đã bóc trần một xã hội Nhật Bản với đầy đủ những góc tối tăm nhất. Phải làm thế nào để giữa màu xanh tuổi trẻ mãi “trong suốt” giữa những xô bồ trần tục thực sự là niềm băn khoăn lớn của tác giả và độc giả. Dùng những thác loạn thể xác để nhấn mạnh những khoảng trống trong tâm hồn, Màu xanh trong suốt của Ryu Murakami, tuy khó đọc, nhưng không thể phủ nhận là một tác phẩm kinh điển, mang tính cách mạng trong lịch sử văn học Nhật Bản.
Màu xanh trong suốt

3. Chữ vạn - Tanizaki Junichiro

Tanizaki Junichiro là một tác gia rất nổi tiếng trên trường quốc tế với văn nghiệp hết sức đồ sộ. Ông thường hướng ngòi bút vào những ám ảnh, dục vọng, cuồng si, những cảm xúc nguyên bản sâu kín nhất của con người. Chữ vạn là một câu chuyện tình khổ đau bậc nhất, mà cũng kì lạ bậc nhất. Một người phụ nữ lại đem lòng si mê một người phụ nữ khác bởi cô ta toát ra thứ nét đẹp thoát tục và quyến rũ không thể chối từ. Để rồi, tình cảm ngang trái ấy kéo theo bao nhiêu hệ lụy từ gia đình, hôn nhân, danh dự và đến cuối cùng là cả sinh mạng. Sự trân trọng cái đẹp, quyền tự do yêu đương, quyền tranh đấu cho hạnh phúc,... tất thảy những thông điệp đó được tác giả gửi gắm trong thứ tình cảm quá đỗi mãnh liệt và mù quáng của hai nhân vật nữ chính trong tác phẩm này. 
 
Chữ Vạn

4. Nỗi lòng - Natsume Souseki

Được đánh giá là “một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản”, Natsume Souseki sở hữu rất nhiều tác phẩm “để đời”, trong đó, Nỗi lòng (Kokoro) là tác phẩm thường xuyên vào danh sách những tựa truyện kinh điển được đọc nhiều nhất. Kokoro là câu chuyện dài kể về lí do dẫn đến cái chết của nhân vật chính, gọi là “sensei”. Sensei hoàn toàn mất niềm tin vào thế giới loài người, sợ con người, sợ xã hội. Ông ôm trong lòng những tâm tư không thể nói cùng ai, sống mà như chết, để rồi cuối cùng chọn cách tự kết liễu. Cốt truyện ám ảnh và nặng nề, cái nhìn quá tiêu cực của nhân vật “sensei” với thế giới con người trong Kokoro có lẽ sẽ khiến bạn khó tiếp nhận. Nhưng Kokoro là một lời cảnh tỉnh sâu sắc bởi cuốn sách đã bóc trần một xã hội khiến cho con người phải sợ chính đồng loại của mình. Dù ra đời cách đây hơn một thế kỉ (1914), những thông điệp mạnh mẽ trong tác phẩm vẫn còn vẹn nguyên giá trị. 
Kokoro

5. Thất lạc cõi người - Dazai Osamu

Dazai Osamu là nhà văn tiêu biểu của “Vô lại phái” - một nhóm nhà văn nổi loạn dùng văn chương để phô bày sự vô mục đích và khủng hoảng bản sắc hậu thế chiến II. Cuộc đời của ông gói gọn trong một từ “bi thương”, sống mà không cảm thấy như đang sống, để rồi cùng vợ trầm mình vào năm 39 tuổi.  
Thất lạc cõi người có tên gốc là Ningen Shikkaku tức Nhân gian thất cách (mất tư cách làm người). Đúng như tên truyện, xuyên suốt tác phẩm là một chuỗi dài những bi ai, chán ngán, tự vấn, của một cá nhân cảm thấy bản thân như đã bị gạt khỏi rìa thế giới loài người. Cuộc đời lắm bi ai của nhân vật chính cùng không khí u ám khắc họa rõ ràng ngay từ trang sách đầu tiên hẳn khiến nhiều độc giả e ngại. Chứa đựng nhiều triết lí nhân sinh đáng suy ngẫm, Thất lạc cõi người là một tác phẩm kinh điển đáng đọc, nhưng độc giả hẳn cần sự kiên nhẫn nhất định để đi được đến trang cuối cùng. 
Thất lạc cõi người

6. N.P - Banana Yoshimoto 

N.P là đại diện tiêu biểu cho thế giới quan và mỹ học độc đáo của Banana Yoshimoto. Những mối quan hệ rối rắm, những tình cảm tội lỗi, những suy nghĩ kì lạ gói N.P trong một loại không khí lãng đãng như mặt biển trước bão. Trong N.P,  tác giả chọn khắc họa tình yêu đồng tính và đồng huyết, khách quan mà nói, là chủ đề không nhiều độc giả có thể dễ dàng chấp nhận. Thế nhưng điểm đặc biệt của Banana Yoshimoto, luôn là viết về những điều khác thường với văn phong nhẹ nhàng và tự nhiên như thủ thỉ kể chuyện. Chính vì thế dù thoạt tiên nghe có vẻ khó chấp nhân nhưng ai đã đọc và thực sự hiểu được cho cảm xúc của nhân vật thì hẳn sẽ rất yêu mến tác phẩm này.  
Tiểu thuyết N.P
kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU