Kẻ móc túi - Làn gió mới của văn học trinh thám

Bài, ảnh: An Thuỷ
Aug 28, 2018

Cover: NXB Nhã Nam

Bằng nội dung sâu sắc, độc đáo và hiện đại, Kẻ móc túi đã thổi một làn gió mới vào thể loại văn học trinh thám, tâm lí nói chung và văn học trinh thám Nhật nói riêng.

Kẻ móc túi - hứa hẹn chất li kì từ cái tên, là tác phẩm đặc biệt giúp Nakamura Fuminori giành giải thưởng Oe Kenzaburo. Tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, được báo Wall Street Journal gọi là “một tác phẩm trinh thám mang tính triết học” và xếp vào top những tác phẩm hay nhất năm 2012.

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là một kẻ móc túi chuyên nghiệp, ngày ngày len lỏi giữa những ga tàu điện sầm uất ở Tokyo, hắn ta luôn chỉ lấy tiền và trả lại ví giấy tờ cho thân chủ. Cuộc đời hắn cứ ngỡ sẽ trôi qua vô định như thế nếu hắn không gặp hai mẹ con cô gái điếm và gã trùm xã hội đen. Nakamura Fuminori có lẽ sẽ gợi chúng ta đến Jiro Asada, cả hai tác giả đều hướng ngòi bút của mình vào những phận đời ở tầng dưới xã hội. Những kiếp người đó đang trong một canh bạc lớn: đánh cược với cuộc đời.

kẻ móc túi

Nakamura Fuminori đã chứng tỏ tài năng miêu tả bậc thầy bằng việc tường thuật tỉ mỉ kĩ năng và quá trình kẻ móc túi "hành nghề". Từ cách cử động ngón tay đến lực tác dụng khi rút ví đều được miêu tả hết sức bài bản và logic, đến nỗi khiên độc giả chúng ta cảm thấy móc túi cũng là một loại “nghệ thuật” thứ thiệt.

Như Laura Wilson của The Guardian đã nhận xét :”Cuốn sách này không dành cho những người yêu thích tiểu thuyết trinh thám truyền thống.” Qủa thực, Kẻ móc túi sẽ không khiến tim bạn đập thình thịch như khi đến đoạn sắp tiết lộ hung thủ, sẽ chẳng khiến bạn tò mò ghê gớm như khi đọc những màn lí giải thủ đoạn gây án của hung thủ, cũng sẽ chẳng có những cuộc điều tra hay rượt đuổi hay cảnh sát như những cuốn trinh thám truyền thống. Kẻ móc túi cũng không lấp lánh thứ văn phong nhuần nhị của những tác phẩm văn học Nhật thường thấy. Nhưng, thường trực trong từng chữ từng câu là một dự cảm, một nỗi sợ, mơ hồ, nhưng vướng vất. Chính cái không khí gấp gáp tác giả khéo léo sắp đặt từ trang sách đầu tiên đã thực tự nhiên gieo dự cảm ấy vào lòng độc giả.

Sự xuất hiện của đứa trẻ bị mẹ bắt ăn cắp vặt, một đứa trẻ vốn nên ngây thơ như một tờ giấy trắng, lại bị vấy bẩn bởi sự khốn khổ và ích kỉ của người lớn, có lẽ là cú hích lớn nhất vào thứ gọi là “tình người” trong lòng kẻ móc túi. Chí ít, hắn muốn nhìn thấy một con người tương lai sẽ tốt hơn hắn của hiện tại. Vì sự xuất hiện của hai mẹ con xác xơ và xa lạ ấy, hắn lại đồng ý dấn thân vào nhiệm vụ nguy hiểm đến tính mạng. Bản năng chưa mất của một con người buộc hắn làm, dẫu biết phía trước có nguy cơ là điểm kết của sinh mệnh. Một kẻ tưởng chừng ơ thờ với cái chết, đến cuối cùng vẫn là không thể không khát khao được sống, không thể không sợ hãi khi đối mặt với “vận mệnh”. Có thể nói, Fuminori đã thành công xây dựng một hệ thống nhân vật rất đặc sắc và chân thật, phản ánh rất rõ nét những cá nhân đang oằn mình dưới sức nặng của cuộc sống.

Ý tưởng của Fuminori còn có sự giao thoa với những lĩnh vực khác. Nếu văn đàn Nhật Bản  ghi nhận Nakamura Fuminori bóc trần những tăm tối và nhơ nhớp ẩn sau sự phát triển phồn vinh của một cường quốc bằng hình ảnh sừng sững của một tòa tháp chọc trời, nửa khiến người ta khao khát chinh phục, nửa khiến người ta sợ hãi, thì điện ảnh Nhật Bản có bộ phim Always: Sunset on Third street miêu tả cuộc sống của những người dân cơ cực khi tòa tháp Tokyo đang trong giai đoạn hoàn thành năm 1958. Dưới cái bóng đổ uy nghi ấy là những phận người nhỏ bé đang vật lộn với cuộc đời, dưới lớp vỏ rực rỡ phồn hoa là rất nhiều tối tăm và nhơ nhớp và máu cùng nước mắt.

Review Kẻ móc túi

Bộ phim Always: Sunset on Third Street (Ảnh: ALWAYS 三丁目の夕日'64)

Có thể nói, Kẻ móc túi là một tổng hòa thú vị giữa trinh thám và tâm lí. Một tác phẩm ẩn giấu nhiều ý niệm trong những chi tiết nhỏ, một tác phẩm đáng đọc một lần, để hiểu hơn về những mặt tối của một xã hội phát triển nói riêng, và của cuộc đời nói chung.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU