Vì sao Nhật Bản không có ngày Nhà giáo?

Bài: Mỹ TriềuNov 14, 2021

Nhật Bản được biết đến là một đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới và người Nhật cũng rất tôn trọng nghề nhà giáo, nhưng họ lại không có bất kỳ ngày lễ kỷ niệm nào dành riêng cho giáo viên.

Ngày Nhà giáo là một ngày kỷ niệm quan trọng, được tổ chức nhằm tôn vinh những người hoạt động trong ngành Giáo dục, đặc biệt là các giáo viên. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều quốc gia kỷ niệm ngày Nhà giáo, trong đó có Việt Nam với ngày lễ 20/11 hay Trung Quốc với ngày 10/9. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, “Ngày Nhà giáo” vẫn còn là một khái niệm mới mẻ, chỉ được một số ít người quan tâm và biết đến trong vài năm gần đây. 

giao-vien-nhat-ban
Tại Nhật Bản không có ngày kỷ niệm dành riêng cho nhà giáo. Ảnh: toyokeizai.net

Quan niệm bình đẳng giữa các nghề nghiệp 

Nếu giải thích nguyên nhân vì sao người Nhật lại không có ngày kỷ niệm để tôn vinh nghề giáo thì lý do đầu tiên phải kể đến là quan niệm bình đẳng, tôn trọng tất cả các ngành nghề của họ. Ở Nhật Bản, tinh thần lao động là điều đáng trân trọng nhất, ở bất kể ngành nghề nào, người lao động cũng xứng đáng được vinh danh. Chính vì thế, không chỉ riêng nghề giáo viên mà những người làm nghề khác cũng đều được xã hội Nhật coi trọng. 

Bên cạnh đó, người Nhật còn có quan niệm cho rằng việc tổ chức ngày Nhà giáo dành riêng cho những người trong ngành giáo dục ít nhiều sẽ làm khơi dậy sự đố kỵ giữa các nhóm ngành nghề khác. 

ton-su-trong-dao
Tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Nhật được định hình từ khi còn nhỏ. Ảnh: unsplash

Tuy nhiên, đối với một đất nước luôn đặt sự nghiệp giáo dục lên hàng đầu thì sự kính mến, tinh thần tôn sư trọng đạo luôn được họ chú trọng và rèn luyện từ thuở bé. Vì vậy, bất cứ thời điểm nào, ngày nào trong năm, sự kính trọng, biết ơn của phụ huynh và học sinh vẫn luôn hướng đến các thầy cô.

Truyền thống coi trọng giáo dục của người Nhật

Nhật Bản cho rằng giáo dục có vai trò rất quan trọng và quyết định thành bại trong sự phát triển lâu dài của một đất nước. Ở Nhật, giáo viên không chỉ có vai trò truyền đạt nền tảng tri thức mà còn mang trọng trách to lớn là hình thành, định hướng nhân cách, tính cách của những đứa trẻ. Do đó, việc phát triển và rèn luyện tất cả những đức tính, sự ưu tú của người Nhật đều được đặt lên vai của người thầy. 

giao-vien-nhat-ban-2
Người Nhật từ xưa đã luôn coi trọng giáo dục và nghề nhà giáo. Ảnh: teachforjapan.org

Trên thực tế, theo một khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giáo viên ở Nhật Bản có thời gian làm việc dài nhất trong nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới. Bởi ngoài giảng dạy, họ còn đảm nhiệm nhiều hoạt động ngoại khóa sau giờ học như trở thành cố vấn cho các câu lạc bộ, hỗ trợ và đồng hành cùng phụ huynh. Theo thời gian, khối lượng công việc hỗ trợ sau giờ học chỉ tăng thêm mà không hề giảm đi. Chính vì điều đó mà Chính phủ nước này cũng đã có nhiều chính sách “ưu ái” nhằm thu hút nguồn nhân lực giỏi cho ngành giáo dục, chẳng hạn như việc tất cả các giáo viên đều là công chức với mức lương cao hơn công chức bình thường.

Viết thư tay bày tỏ sự biết ơn thầy cô 

Nếu như ở Việt Nam, chúng ta tặng hoa, quà trong ngày Nhà giáo để bày tỏ lòng biết ơn, sự kính mến đến quý thầy cô thì ở Nhật, đây không phải là một điều phổ biến. Thậm chí đôi khi nó còn gây ra tình huống khó xử cho cả người tặng và người được tặng, bởi họ cho rằng hành động này có phần giống với việc “hối lộ”. Do đó, văn hóa tặng quà cho giáo viên là điều rất hiếm khi diễn ra ở đất nước này.

viet-thu-cam-on
Người Nhật thường viết thư cảm ơn gửi cho giáo viên vào đầu năm học. Ảnh: pexels.com

Tuy nhiên, người Nhật cũng có những cách thể hiện sự quý trọng, biết ơn đối với thầy cô bằng những cách rất tinh tế như viết thư tay gửi tới giáo viên của mình vào những ngày đầu năm học mới.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, Nhật Bản cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều phong trào nhằm truyền bá, hưởng ứng “Ngày Nhà giáo Thế giới 5/10” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO thành lập từ năm 1994. Với mục đích duy trì và nâng cao động lực làm việc cho giáo viên cũng như địa vị xã hội cho họ, các nhóm tình nguyện (sau này trở thành Hiệp hội Ủy ban phổ cập "Ngày nhà giáo") đã bắt đầu tổ chức ngày kỷ niệm trên như một phong trào để cảm ơn và hỗ trợ giáo viên trong toàn xã hội. Hiện nay, vẫn còn ít chính quyền địa phương hoạt động tích cực trong việc truyền bá "Ngày Nhà giáo" và Hiệp hội Ủy ban phổ cập "Ngày nhà giáo" vẫn đang tiếp tục đặt mục tiêu phổ biến nó trên toàn quốc bắt đầu từ 23 quận của Tokyo.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU