Tokyo Rinkai - công viên phòng chống thiên tai

Bài: Kim Oanh
Jul 1, 2020

Hình ảnh: Phạm Oanh

Ý tưởng biến các công viên vui chơi thư giãn thành một nơi lánh nạn giúp con người tồn tại ít nhất 3 ngày sau thiên tai trong trạng thái tâm lý bình tĩnh nhất, thật sự là một điều đáng khâm phục và đáng học hỏi cho tất cả chúng ta. 

Công viên phòng chống thiên tai ở Tokyo

Năm 1995, ngay thời điểm xảy ra trận động đất Hanshin Awaji tại Kobe, nước Nhật phải đối diện với nhiều vấn đề về khắc phục hậu quả thiên tai. Một trong số đó là những nơi lánh nạn với quy mô lớn như trường học và trung tâm cộng đồng đều bị quá tải. Vì vậy, rất nhiều người đã không có chỗ lánh nạn dẫn đến tử vong vì kiệt sức. Ngay sau đó, chính phủ đã đưa ra một dự án tận dụng các công viên trên toàn quốc thành nơi lánh nạn với những vật dụng và thiết bị đặc biệt hỗ trợ người dân sinh sống ít nhất 72 tiếng đồng hồ sau khi thảm họa xảy ra.

công viên tokyo rinkai
Công viên phòng chống thiên tai.

Tại Tokyo, theo dự án trên, các công viên thuộc 23 quận trong khu vực đã được bổ sung thêm chức năng hỗ trợ lánh nạn khi có thiên tai như động đất hay hỏa hoạn xảy ra. Nằm tại quận Koto, là một công viên rộng lớn với diện tích hơn 65.000m2, công viên Tokyo Rinkai đã được chọn làm công viên trung tâm có chức năng phòng chống thiên tai cho toàn bộ khu vực Tokyo khi có động đất lớn xảy ra.

Các trang thiết bị đặc biệt

Với các thảm cỏ xanh và nhiều cây hoa nở bốn mùa, công viên Tokyo Rinkai là một nơi lý tưởng để thư giãn. Bên cạnh đó, những đồ vật bình thường trong công viên đã được bổ sung thêm các chức năng mới phục vụ khi có thiên tai. Cống thoát nước trở thành các nhà vệ sinh tiện lợi. Chỉ cần mở nắp cống ra, trải tấm bạt lên đó là có thể sử dụng ngay. Bên dưới các băng ghế dài là những bếp lò nấu thức ăn được chuẩn bị sẵn. Ngoài ra, trong công viên cũng có các giếng trữ nước. Khi cần dùng, nước sẽ được bơm lên. Tuy nhiên, nước này không uống được, chỉ dùng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và chữa cháy. Đặc biệt, các bóng đèn trong công viên đều sử dụng năng lượng mặt trời. Do đó, khi có thiên tai, dù bị mất điện thì các bóng đèn vẫn sáng và trở thành một dấu hiệu cho biết ở đây có chỗ lánh nạn. Các con đường trong công viên cũng được mở rộng để sẵn sàng cho các phương tiện cứu hộ qua lại dễ dàng.

dưới băng ghế là các bếp lò nấu thức ăn
Dưới băng ghế là các bếp lò nấu thức ăn.

Tòa nhà huấn luyện phòng chống thiên tai

Ngoài các trang thiết bị đặc biệt hỗ trợ thiên tai, trong công viên còn có tòa nhà “Sona area Tokyo” với chức năng giới thiệu các kinh nghiệm và huấn luyện kỹ năng ứng phó với thiên tai dành cho cả người lớn và trẻ em. Với cách đặt câu hỏi “Làm sao để tồn tại trong vòng 72 giờ sau động đất 7,3 độ rit-te”, chương trình huấn luyện “Tokyo Chokka 72” được rất nhiều người quan tâm. Tham gia chương trình này, mọi người sẽ được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra động đất với độ rung lớn nhất cũng như trả lời các câu hỏi liên quan đến kiến thức phòng chống thiên tai. Ngoài ra, tại bãi cỏ trung tâm công viên cũng thường xuyên diễn ra các hoạt động diễn tập bổ ích nhằm nâng cao ý thức phòng chống thiên tai cho người dân.

tòa nhà huấn luyện phòng chống thiên tai
Cách để sinh tồn trong 72 giờ.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU