Văn hóa Nhật Bản qua những từ ngữ đặc trưng

Bài: Hoàng Long
May 1, 2020

Ảnh: PIXTA

Đôi khi có những từ đơn giản, thường xuyên sử dụng trong cuộc sống của người Nhật nhưng chúng ta gần như không thể dịch hoặc khó có thể cắt nghĩa toàn vẹn vì ngăn cách bởi bức tường văn hóa vô hình. Nhưng nếu như đủ trải nghiệm và tinh tế, ta sẽ nhận ra những từ đơn giản đó lại là những mắt lưới của một tấm lưới vi diệu hơn, ấy chính là văn hóa Nhật Bản.

Những từ ngữ đặc trưng phổ biến

Những từ như “lẽ sống” (ikigai), “sơ tâm” (shoshin), “tu dưỡng” (shuyo), “quan tâm chi tiết” (kodawari), “sách chất đống” (tsundoku)… hầu như ai học tiếng Nhật mức độ cơ bản đều có thể biết và hiểu được. Chỉ là không thể giải thích ý nghĩa rõ ràng minh bạch và hơn thế là không ngờ chúng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau để soi sáng tâm hồn con người Nhật Bản.

“Ikigai” (生き甲斐) là một từ gần như thịnh hành trên toàn thế giới. Đã có rất nhiều những quyển sách của cả học giả Nhật Bản và nước ngoài tìm hiểu nội hàm phong phú của từ này. Những cách dịch “the way of life” trong tiếng Anh hay “lẽ sống”, “ý nghĩa sống” trong tiếng Việt chỉ chuyển tải được phần nổi của tảng băng trôi.

Tựu trung “ikigai” gồm có năm trụ cột là: bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, giải phóng cái tôi cá nhân, hài hòa và bền vững, vui với những điều nhỏ bé, sống trọn mọi khoảnh khắc hiện tại.

Sống đẹp, sống một cuộc đời trọn vẹn tràn đầy ý nghĩa là ý nghĩa khái quát nhất của “ikigai”. Cuộc đời chúng ta sẽ tuyệt vời biết bao nhiêu khi có thể cung hiến cho một điều gì đẹp đẽ. Đó có thể là một môn thể thao hay nghệ thuật, một sự nghiệp rạng rỡ, một tình yêu bao la. Chúng giúp ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể nương tựa vào để tiếp tục cuộc sống. Đó chính là ý nghĩa cốt tủy của từ “ikigai”.

ikigai
Ảnh: unsplash.com.

Để được như thế, đầu tiên chúng ta phải có một đam mê khao khát. Phải phấn đấu làm được việc mình thích và nuôi dưỡng niềm đam mê đó suốt cuộc đời. Cho nên đừng bao giờ quên cái “sơ tâm” (初心). Sơ tâm là cái ước nguyện đầu tiên khi chúng ta mới bước vào đời. Việc duy trì cái sơ tâm này giúp cho chúng ta học hỏi không ngừng, học hỏi mọi người, học trong sách vở, biết chú tâm đến cả những điều nhỏ nhất (neniri/念入り). Kiến thức phải được áp dụng vào thực tiễn, cũng như sách vở phải được đọc chứ không phải để chưng cho vui (tsundoku/積読). Dù là một chuyện nhỏ nhặt cũng phải làm đến nơi đến chốn, phải “kodawari” (こだわり). Bên cạnh đó, tâm hồn phải được tu dưỡng (shuyo/修養), phải luôn vươn đến đỉnh cao, vươn đến thượng đẳng, làm ra những sản phẩm hảo hạng, xứng danh ưu tú (ichiryu/一流).

Đó là những từ căn bản để có một cuộc đời đẹp đẽ. Hầu hết những từ trên đều không thể dịch ra từ tiếng Việt tương đương. Chúng ta chỉ lĩnh hội ý nghĩa của chúng qua giải thích.

Khai mở tầng sâu văn hóa Nhật Bản

“Tsundoku” vốn là một từ liên quan đến văn hóa đọc. Người Nhật Bản nổi tiếng là chăm chỉ đọc sách ở khắp mọi nơi, trên tàu điện, ghế đá, thư viện. Những con số liên quan đến xuất bản đều gây sửng sốt. Có trên 3.000 thư viện và 15.000 nhà sách trên khắp Nhật Bản, chưa kể các quán cà phê đọc sách. Sự ham học hỏi của người Nhật đã làm cả thế giới nể phục. Và “tsundoku” mang hàm ý mỉa mai phê phán. Từ này được hình thành từ thời Minh Trị, vốn ghép từ hai từ “chất đống” (積んでおく) và “đọc sách” (読書), chỉ việc mua sách về chất đống trong nhà chứ không đọc bao giờ. Qua đó ta có thể nhận thấy người Nhật xem trọng tri thức và tri thức phải được vận dụng vào thực tiễn, làm cho phẩm chất cuộc sống ngày một nâng cao và tốt đẹp hơn. Nếu chỉ mua sách về trang trí, tri thức chỉ mang tính tháp ngà thì rõ ràng đó chỉ là một sự lãng phí tài nguyên.

Từ “sơ tâm” có ba nghĩa chính trong tiếng Nhật. Đầu tiên là “cảm giác thuần khiết khi ta quyết tâm làm điều gì”. Thứ hai là chỉ việc “bắt đầu học một môn nghệ thuật hay học vấn” và thứ ba là “chưa quen việc, chưa thành thạo”. Luôn hằng ghi nhớ cái sơ tâm là điều rất quan trọng. Trong văn hóa Nhật Bản, mỗi khi có người được thăng chức, thuyên chuyển công tác hay đạt được thành tựu gì đó, bao giờ người ta cũng nhắc nhở “đừng bao giờ quên cái sơ tâm”. Bởi lẽ sau khi có một chút thành tựu, con người hay sinh lòng tự mãn, thích hư vinh. Và điều đó mở đường cho thất bại. Nếu chúng ta luôn nhớ được niềm vui thuần khiết khi mới bước vào con đường mình đi, những vấp váp gian nan lúc đầu tiên, thậm chí cả những sai lầm đáng xấu hổ thì chúng ta có thể luôn chuyên tâm vào con đường mình đã chọn, tránh được lòng kiêu ngạo và thậm chí cả những việc làm ngu ngốc về sau. Nhiều người thắng được một trận đấu nhưng thua cả cuộc chiến. Phải biết rằng ai cười sau cùng mới chính là người thắng cuộc. Một cuộc đời đẹp đẽ phải đi cùng với nụ cười mãn nguyện trên môi.

văn hóa Nhật Bản qua những từ ngữ đặc trưng
Ảnh: PIXTA.

Tất cả những điều đó đều được người Nhật thấm nhuần gần như là bản năng. Ta thử tìm hiểu vài bài Haiku tối giản của Mitsuo Aida (1924 - 1991), một nhà thơ và thư pháp gia hiện đại hàng đầu Nhật Bản. Qua những hàng chữ đơn giản mà thâm sâu, chúng ta nhận ra rằng bản thân thi nhân và mỗi người Nhật Bản đều nỗ lực vươn đến một cuộc sống tràn đầy như chính từ “ikigai” ám chỉ. Bài thơ đơn giản nhất của Mitsuo chỉ có bốn chữ gợi nhớ đến câu niệm chú tỉnh thức của thầy Thích Nhất Hạnh:

いまここ
(Bây giờ, ở đây)

Những bài thơ khác của Mitsuo tự nó khai mở ra một bát ngát hiện hữu, tự nó đủ đầy, không cần phải thêm một dòng chú thích:

しあわせはいつも自分の心がきめる
(Hạnh phúc luôn do tâm mình tạo dựng)

木の芽がのびるのはやわらかいから
(Mầm cây có thể vươn dài bởi vì nó mềm mại)

一生勉強一生青春
(Cả đời học tập, cả đời thanh xuân)

いのちいっぱい
(Sinh mệnh tràn đầy / Cuộc sống toàn mãn)

Và bài Haiku cuối cùng có thể được xem là cách dịch hoàn hảo của từ “ikigai”.

Điều gì dẫn đến một cuộc đời toàn mãn? Đó chính là những hành động nhỏ nhặt hàng ngày đi cùng với một tâm hồn trong sáng luôn hướng thượng. Sự hài lòng mãn nguyện trong mọi khoảnh khắc là phần thưởng cao nhất của cuộc sống này. Đó chính là nét bay bổng, tròn đầy mà sắc nét của từ “ikigai”.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU