"Người sửa đàn dương cầm" - giải cứu những phím đàn lạc nhịp

Bài: Đỗ Nguyên/ Ảnh: MintbooksJul 23, 2018

Có lẽ câu văn "Tôi đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với khu rừng và trở thành người lên dây dương cầm. Tôi không thể về với núi nữa.” đã chốt lại cho chúng ta cốt truyện chính của tác phẩm đạt giải thưởng Văn học Naoki Nhật Bản năm 2016 này.

Tomura là một thanh niên sinh ra và lớn lên tại một làng quê trong núi sâu thuộc vùng Hokkaido. Năm 17 tuổi, Tomura đã rơi vào tình yêu với âm thanh của đàn dương cầm do người thợ lên dây đàn Itadori tạo ra. Tốt nghiệp cấp ba rồi theo học trường nghề, cậu đã đuổi theo tiếng đàn đó bằng tất cả nỗ lực và trọn vẹn tâm hồn mình.

piano7.jpg

Đầu tiên, mình muốn nhắc đến tựa đề gốc của cuốn sách. Thương hiệu sách đã đặt một cái tên trực tiếp là “Người sửa đàn dương cầm” để độc giả dễ tiếp cận hơn khi đưa tác phẩm về Việt Nam. Nhưng tựa đề “Hitsuji to hagane no mori” (tạm dịch: Khu rừng của cừu và thép) khơi gợi lên trong lòng mình không ít suy nghĩ. Một cây đàn dương cầm có 88 phím, mỗi phím được căng từ một đến ba dây đàn bằng thép tùy theo độ cao của nốt, mỗi một dây đàn đó sẽ được liên kết trực tiếp với búa đàn. Những búa đàn này được làm từ những sợi lông cừu. Vậy thép cũng là dương cầm mà cừu cũng là dương cầm, “Búa làm từ lông cừu gõ lên dây đàn thép. Chúng trở thành âm nhạc.” Khu rừng của cừu và thép đó chính là dương cầm. Một thân đàn mở phanh ra với đầy những kết cấu phức tạp bỗng trở nên thơ mộng như một khu rừng vậy. Mở cuốn sách ra là bước vào thế giới của khu rừng dương cầm, bạn có thể bước nửa chừng hay theo đến cuối chặng đường của câu chuyện tùy vào sở thích của bạn. Bởi câu truyện này lặng lẽ như một khu rừng, cũng tinh tế và đầy sức sống như một khu rừng vậy.

Review Người sửa đàn dương cầm

Khi mở cuốn sách ra, mình cảm giác như bản thân bị kéo tuột đến một khu rừng nơi Hokkaido xa xôi. Cánh mũi như phảng phất “mùi hương của rừng. Khu rừng mùa thu vừa chập choạng tối. Cơn gió thổi qua những tán cây làm lá reo xào xạc.” trong khi nhìn thấy một chàng trai đang đứng tần ngần ở bìa rừng rồi như bặm môi quyết tâm mà bước vào trong đó, bắt đầu cuộc hành trình của cuộc đời mình.

Cuộc gặp gỡ với thứ âm nhạc kỳ diệu đó đã vẽ lên những sắc màu trong cuộc đời Tomura. Được vây bọc bởi thứ âm thanh tuyệt vời đó, cậu đã nhìn nhận được cái đẹp từ những thứ luôn được khắc sâu trong trí óc của mình từ rất lâu nay, cậu đã lôi ra được những thứ tưởng như đã lãng quên đi trong dòng ký ức. “Cho tới khi biết tới đàn dương cầm, tôi đã sống mà không hề nhận thức đến cái đẹp. Nó hơi khác so với việc tôi không biết đến chúng. Tôi biết nhiều lắm chứ. Chỉ có điều, tôi đã chẳng đoái hoài gì đến những điều mình biết.” Cuộc gặp gỡ đầu tiên đó cũng đã đưa đến những cuộc gặp gỡ khác, những người cặm cụi ngày ngày chỉnh sửa từng âm sắc của đàn, những người hàng ngày lướt tay trên phím đàn và cả câu chuyện của từng cây đàn nữa được yêu. Vẫn ngày ngày tháng tháng bươn bả trong khu rừng, cảm nhận nó yêu thương nó, cậu ngày càng trưởng thành và thanh âm trong cậu cũng theo đó trưởng thành nên.

piano6.jpg

Câu truyện tràn đầy cảm xúc được dẫn dắt bằng lối kể truyện trữ tình và êm dịu như những vần thơ. Giọng điệu mơ màng và tình cảm như vậy, có phải vì nam chính đang để mình trôi đi, trôi đi trong tình yêu với “thứ nhạc cụ đen huyền và to lớn đó” hay chăng.

Một trong những điều khiến mình nể phục người Nhật đó chính là khả năng nhìn tất cả mọi thứ, hay tất cả nghề nghiệp bằng một con mắt đầy thẩm mỹ. Mình đã đọc và xem qua không ít câu truyện, bộ phim về nhạc công chơi đàn dương cầm, cũng thấy không ít người miêu tả vẻ đẹp của thứ nhạc cụ thanh tao đó trong thi ca, nhưng chưa từng thấy một câu chuyện nào viết về những con người đứng đằng sau, miệt mài gìn giữ những thanh âm cho cây đàn dương cầm như vậy. Càng chưa từng gặp qua một tác giả có thể gợi lên sự tưởng tượng về âm thanh bằng ngôn từ đặc sắc đến như thế. Và có thể đây là một ích lợi của việc biết tiếng Nhật khi mình để ý ra tên của từng người thợ lên dây đàn trong câu chuyện đều phần nào gắn với khu rừng, với cây đàn dương cầm.

Cuốn sách là một sự lựa chọn thích hợp trong những ngày thư thả, mà có lẽ đẹp hơn cả là một ngày mưa, khi bạn có thể thả lỏng mình giữa những tiếng đàn dương cầm hay tiếng mưa rơi để nhâm nhi từng vần từng câu, đắm mình vào cuộc hành trình của những đam mê, lặng lẽ nhưng vẫn đầy sự nhiệt thành. Nếu bạn là một người yêu dương cầm, yêu âm nhạc cổ điển thì càng không nên bỏ qua nó. Bởi “Tiếng đàn không cầu kì mà lặng lẽ, nhưng những hạt phân tử đó quá nhỏ bé, đến mức lắng sâu vào mọi ngõ ngách trong tâm hồn. Tiếng đàn không mất đi mà còn đọng mãi trong tim. Và đâu đó trong tim, ta nghe thấy có tiếng gõ cửa trong lòng mình.”

Thông tin ngoài lề: Bộ truyện "Người sửa đàn dương cầm" đã được chuyển thể thành phim điện ảnh với vai chính do Yamazaki Kento thủ diễn và đã tấn công màn ảnh rộng vào ngày 08/06/2018. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU