Review Fukushima 50: Thảm họa kép - Sự thật thường kém hấp dẫn?

Bài: Huyền Quang
Jun 13, 2020

Ảnh: CGV

“Fukushima 50: Thảm họa kép” là bản hùng ca về 50 kỹ sư, công nhân tình nguyện ở lại nhà máy điện hạt nhân để cứu lấy miền đông Nhật Bản bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu đất nước. Dựa trên cuốn tiểu thuyết phi hư cấu, phim cố gắng bám sát vào nguyên tác cũng như các sự kiện có thật. Tuy nhiên, có vì vậy mà phim thiếu đi những anh hùng, những sự hy sinh, những cảnh kịch tính đến thót tim không?

Một câu chuyện về trận “Thảm họa kép” của Nhật Bản năm 2011

Fukushima 50 được ra mắt tại Nhật vào tháng 3 năm 2020. Lúc khởi chiếu, phim đã thu về những ý kiến trái chiều, tuy nhiên, có một điều chắc chắn là phim đã khiến rất nhiều khán giả dâng trào cảm xúc khi nhớ lại trận thảm họa kép năm 2011. Cũng chính vì vậy mà Fukushima 50 đã dẫn đầu phòng vé trong nhiều tuần. Và những điều này đã thôi thúc người viết ra rạp xem ngay khi nó được phát hành ở Việt Nam.

Review Fukushima 50: Thảm họa kép - Sự thật thường kém hấp dẫn?
Poster phim Fukushima 50: Thảm họa kép

Phim mở đầu bằng một loạt sự kiện xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi sau hai thảm họa kép là động đất và sóng thần. Bắt đầu từ ngày 11/03/2011, nhà máy bị mất điện, rơi vào tình trạng khẩn cấp, những kỹ sư, công nhân và chính phủ đã chiến đấu liên tục trong 5 ngày để bảo vệ không chỉ Fukushima mà còn là cả miền đông Nhật Bản, bao gồm Tokyo. 

Fukushima 50 là một bức tranh sống động về thảm họa nặng nề trong lịch sử Nhật Bản. Nhưng nhiều khán giả đặt ra nghi vấn, chỉ với thời lượng hai tiếng đồng hồ, liệu các nhà làm phim có chuyển tải hết những sự kiện đã xảy ra trong thời điểm đó hay không?

Phim thật sự đã chạm vào cảm xúc của khán giả bằng những hình ảnh khủng khiếp của thảm họa cũng như sự hy sinh quên mình của những con người làm việc tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 50. 

Tuy nhiên, vì giới hạn thời lượng, nên nếu khán giả không phải là người Nhật hoặc có sự hiểu biết về con người, đất nước Nhật Bản thì e rằng khó có thể nắm bắt hết tất cả ẩn ý trong phim, để từ đó cảm nhận phim rõ nét hơn.

Fukushima 50 Thảm họa kép
Fukushima 50 là một câu chuyện khác về thảm họa kép năm 2011 của Nhật Bản. (Ảnh cắt từ trailer)

So sánh giữa Fukushima 50 và những phim thảm họa của Mỹ

Có một sự thật là khán giả sẽ dễ so sánh những gì diễn ra trong Fukushima 50 với những phim thảm họa của Mỹ.

Fukushima 50 được làm nghiêm túc, dĩ nhiên cũng có tình tiết hư cấu nhưng về cơ bản là bám sát các sự kiện có thật, vì thế, phim cũng thiếu đi sự kịch tính cần có của dòng phim thảm họa, điều mà các nhà làm phim Mỹ đã làm rất tốt. 

Fukushima 50 sẽ khiến cho khán giả cảm động, nhưng có thể sẽ không thỏa mãn vì cảm thấy rằng nếu là ở chi tiết đấy, tình huống đấy, phim Âu Mỹ sẽ làm hấp dẫn hơn, tạo nhiều cao trào hơn để bóp nghẹn trái tim người xem. 

Tuy nhiên, một Fukushima 50 như thế lại mang đậm chất điện ảnh Nhật Bản, thể hiện được tinh thần bất khuất, hy sinh quên mình để bảo vệ đất nước của con người Nhật Bản.

Fukushima 50 thảm họa kép
Phim đã thể hiện được tinh thần bất khuất của người Nhật. (Ảnh cắt từ trailer)

Trong phim, không thiếu những cảnh la hét, tức giận, không thiếu một đám đàn ông với lối diễn khoa trương, vừa cười đấy, vừa hét lên quyết tâm đấy, rồi chỉ một phút sau lại khóc như một đứa trẻ. 

Chỉ khi bạn yêu văn hóa Nhật Bản, yêu phim Nhật, thì bạn mới cảm nhận được đấy chính là con người Nhật Bản thật sự từ đời vào phim. Còn nếu bạn vẫn chưa hiểu về Nhật Bản, cảm thấy thiếu kiên nhẫn khi xem các bộ phim Nhật, thì cũng không khó hiểu khi bạn cảm thấy phim thiếu kịch tính, không thỏa mãn với những diễn biến trên phim, cũng không thể hiểu rõ tường tận từng chi tiết trong phim. 

Đấy quả là điều đáng tiếc, mà cá nhân người viết nghĩ rằng, các nhà làm phim Nhật Bản nên học hỏi điện ảnh phương Tây, để các sản phẩm được đầu tư như Fukushima 50 có thể vươn xa hơn, vượt qua khỏi biên giới Nhật Bản và chạm vào trái tim của khán giả trên khắp thế giới.

Sự phối hợp “ăn ý” của một đoàn làm phim chuyên nghiệp

Đóng vai trò dẫn dắt khán giả suốt chiều dài bộ phim là hai diễn viên gạo cội Watanabe Ken và Sato Koichi. Hai diễn viên đã phối hợp ăn ý để tạo nên hai nhân vật dường như rất khác biệt nhưng có chung một tinh thần trách nhiệm, yêu thương con người và đất nước Nhật Bản. 

Khán giả có thể không cảm hết nội dung phim nhưng chắc chắn, không ai có thể chê diễn xuất của hai diễn viên chính. Hỗ trợ tuyệt vời cho Watanabe Ken và Sato Koichi chính là dàn diễn viên phụ từ “lão làng” đến “mới vào nghề”, ai cũng nhập vai xuất thần và biến bộ phim thành một tổng thể hoàn chỉnh, không chênh lệch về diễn xuất.

Diễn viên phim Fukushima 50
Hai diễn viên gạo cội Watanabe Ken và Sato Koichi trong buổi họp báo ra mắt phim. (Ảnh: variety.com)

Fukushima 50 được chăm chút kỹ lưỡng từng bối cảnh, đạo diễn tính toán hợp lý và ấn tượng cho từng cảnh quay dù là đại cảnh cháy nổ hay gương mặt trĩu nặng tâm sự của nhân vật. Kịch bản dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành nhưng vẫn dễ hiểu. 

Diễn xuất đồng đều nhưng vẫn có đất cho từng nhân vật phá huy. Tuy nhiên, vì yếu tố văn hóa của Nhật quá sâu sắc nên không phải khán giả nào cũng có thể thỏa mãn sau khi xem phim, cũng như tránh so sánh phim với các phim Âu Mỹ cùng đề tài thảm họa. 

Nhưng nếu bạn đã từng thổn thức trước thảm họa kép của Nhật Bản vào năm 2011, hoặc nếu bạn là yêu nét đẹp Nhật Bản, yêu văn hóa, lối sống và con người nơi đây, thì Fukushima 50 chắc chắn là bộ phim bạn không thể bỏ qua.

Fukushima 50 khởi chiếu toàn quốc từ thứ sáu ngày 12/06/2020.

Trailer chính thức của phim Fukushima 50: Thảm họa kép

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU