Cuộc đời cô bé bị nhiễm phóng xạ hạt nhân ở Hiroshima được dựng thành phim

Nguồn: Kyodo NewsJan 25, 2021

Sadako Sasaki là một nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử ở tỉnh Hiroshima và tỉnh Nagasaki. Cô bé bị nhiễm phóng xạ của bom nguyên tử, phát bệnh ung thư bạch cầu vào năm 10 tuổi và qua đời chỉ 2 năm sau đó. Tuy nhiên, sự kiên cường chiến đấu với bệnh tật của Sadako Sasaki đã truyền cảm cho nhiều người, cô đã trở thành một nhân vật biểu tượng cho hòa bình ở tỉnh Hiroshima. Mới đây, gia đình của Sadako Sasaki cho biết, một bộ phim tài liệu về cô bé đang được sản xuất.

Câu chuyện của Sadako Sasaki gắn với truyền thuyết một nghìn con hạc giấy. Trong thời gian chữa trị tại bệnh viện, có một hôm Sadako nhận được 1.000 con hạc giấy do người dân Nagoya gửi tặng cho bệnh viện với lời chúc sức khỏe cho các bệnh nhân, vì theo truyền thuyết, nếu ai gấp được 1.000 con hạc giấy thì điều ước của người đó sẽ thành sự thật. Với niềm tin vào truyền thuyết đó, Sadako đã đặt ra thử thách gấp 1.000 con hạc giấy với điều ước mình sẽ khỏe lại.

cuộc đời cô bé bị nhiễm phóng xạ hạt nhân ở Hiroshima được dựng thành phim
Sadako Sasaki trước năm 5 tuổi. (Ảnh: medium.com)

Theo những gì được ghi lại ở bảo tàng Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Sadako đã gấp được hơn 1.000 con hạc giấy trước khi qua đời vào ngày 25 tháng 10 năm 1955. Sau khi Sadako qua đời, các bạn học của cô bé đã quyên góp để xây dựng một đài tưởng niệm cho Sadako và những đứa trẻ là nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử năm 1945. Năm 1958, tượng đài hòa bình của trẻ em được khánh thành. Tượng đài có dạng một mái vòm, phía trên là tượng Sadako đang cầm một con hạc giấy lớn, bên dưới tượng đài có dòng chữ: "Đây là lời kêu gọi của chúng tôi. Đây là lời cầu nguyện của chúng tôi. Hòa bình cho thế giới."

Sadako Sasaki
Đài tưởng niệm hòa bình trẻ em trong Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. (Ảnh: peace-tourism.com)

Bộ phim tài liệu về cô bé Sadako Sasaki sắp ra mắt được đặt tên tạm thời là "Orizuru no Kiseki - 折り鶴のキセキ" (tạm dịch: Điều kỳ diệu của hạc giấy), do cháu trai của Sadako là anh Yuji Sasaki lên ý tưởng và thực hiện để đánh dấu 80 năm chiến tranh Thái Bình Dương giữa Nhật Bản và Mỹ nổ ra vào ngày 7 tháng 12 năm 1941 và cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng.

Sadako Sasaki
Tượng của cô bé Sadako Sasaki ở Công viên hòa bình Seattle, Mỹ. (Ảnh: haikudeck.com)

Bộ phim kể về hành trình của Sadako cùng anh trai của cô - Masahiro (hiện đã 79 tuổi) và những đứa trẻ khác cũng bị ảnh hưởng của vụ ném bom. Đồng thời, phim cũng kể lại những sự khắc nghiệt mà bao năm qua cha mẹ của cô bé Sadako phải gánh chịu. Hai người phải chuyển đến tỉnh Fukuoka sinh sống sau khi vấp phải những lời chỉ trích vô căn cứ là họ đang kiếm tiền từ cái chết của con gái khi câu chuyện của cô bé được đưa lên mặt báo và các phương tiện truyền thông.

Anh Yuji Sasaki cho biết, cha mẹ của Sadako đã cố gắng tránh xa những cuốn sách và bộ phim đề cập đến câu chuyện của cô bé. Anh chia sẻ, bằng cách thể hiện nỗi đau của gia đình đằng sau câu chuyện của Sadako, anh muốn bộ phim này sẽ giúp khán giả suy xét thế nào là xây dựng hòa bình.

Bộ phim được sản xuất từ tháng 9 năm 2020, dự kiến sẽ được phát hành vào mùa hè năm 2022.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU