Văn hoá đi nghe hoà nhạc tại Nhật Bản

Bài: Ngân HàMay 18, 2018

Người Nhật không chỉ là những người say mê trong công việc, mà họ cũng rất biết cách thưởng thức nghệ thuật. Hãy đến nghe một buổi hòa nhạc ở Nhật và vén bức màn sân khấu, bạn sẽ thấy được tình yêu của người Nhật đối với âm nhạc và gu thưởng thức của họ như thế nào!

Vì sao người Nhật rất "chăm" đi nghe hòa nhạc? 

Phong trào âm nhạc ở Nhật phổ biến với quần chúng có lẽ bắt nguồn từ việc trẻ em ở đất nước này được tạo điều kiện tiếp xúc và theo đuổi âm nhạc từ bé. Ngoài giờ học chính khóa ở trường, nhiều bố mẹ Nhật mời thầy cô giáo dạy nhạc đến nhà hoặc gửi con đến các lớp học nhạc để bé phát huy khả năng cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật. 

người Nhật chăm đi nghe hòa nhạc

(Ảnh: Flickr/ MIKI Yoshihito)

Ở nhiều quận và các thành phố trực thuộc tỉnh ở Nhật thường có nhà hát hay khán phòng để phục vụ cho cư dân sống quanh khu vực. Các tổ chức hay đoàn thể âm nhạc không thuộc khu vực đó cũng có thể thuê địa điểm để biểu diễn các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy là cơ sở vật chất công cộng, chất lượng của các nhà hát này có thể đáp ứng yêu cầu của một buổi hòa nhạc lớn với sân khấu rộng rãi, hệ thống đèn và trang thiết bị được đầu tư công phu và số ghế ngồi lên đến vài trăm ghế ngồi. 

nghe hoa nhạc ở Nhật

(Ảnh: Flickr/ Ochi Yuichi)

Văn hóa nghe hòa nhạc ở Nhật

Dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư với tầm cỡ lớn hay nhỏ, trình độ kĩ thuật và kinh nghiệm biểu diễn của những dàn nhạc ở Nhật đều thường rất cao. Mức giá cho một tấm vé hòa nhạc thông thường ở Nhật tương đối phải chăng, dao động từ 1000 đến 6000 yên (khoảng 200.000 đến 1.200.000 đồng). Nhiều buổi hòa nhạc được tổ chức và trình diễn bởi những dàn nhạc không chuyên hay nghiệp dư cũng miễn phí vé vào cửa với chỗ ngồi tự do.

Người Nhật thường ăn mặc lịch sự khi đi nghe hòa nhạc, đặc biệt với những buổi hòa nhạc nổi tiếng ở khán phòng lớn. Trong giờ biểu diễn, mọi người đều giữ trật tự, chăm chú lắng nghe và hạn chế ra vào ngoài thời gian nghỉ giữa chừng. Họ rất có ý thức tránh làm phiền những người xung quanh nhằm thể hiện sự tôn trọng nghệ sĩ và trân trọng những giá trị tinh thần mang đến bởi âm nhạc.

văn hóa nghe hòa nhạc ở Nhật

(Ảnh: Flickr/ Junya Watanabe)

Trong chương trình biểu diễn còn có phần giới thiệu và chia sẻ cá nhân của nghệ sĩ. Nghệ sĩ thường viết về lí do lựa chọn tác phẩm, quá trình luyện tập sau hậu trường hay cảm tưởng trước khi bước lên sân khấu trình diễn. Đọc những dòng chia sẻ của người trong nghề, khán giả có thể làm giàu thêm vốn hiểu biết về lịch sử âm nhạc và nâng cao khả năng cảm thụ tác phẩm. 

Một trong những dàn nhạc sinh viên gây được tiếng vang lớn vượt ra khỏi khuôn viên trường đại học và được công chúng biết đến rộng rãi phải kể đến Keio Wagner (慶應義塾ワグネル・ソサィエティー・オーケストラ). Dàn nhạc này vốn thuộc trường đại học Keio danh giá ở Tokyo, được thành lập năm 1901 với hơn 200 thành viên. Với ba buổi biểu diễn thường niên, Keio Wagner được đón chờ đến mức vé thường luôn được bán hết, khán giả ngồi kín nhà hát mỗi lần công diễn. 

Nghe hoà nhạc tại Nhật

(Ảnh: Flickr/ JF Oberlin University)

Bên ngoài những buổi biểu diễn và công diễn chính thức, những hội nhóm âm nhạc ở Nhật cũng thường tổ chức giao lưu hay salon âm nhạc cho các thành viên có cơ hội giao lưu, chuyện trò, chơi những trò chơi âm nhạc như nghe giai điệu đoán tên tác phẩm để thêm phần vui vẻ.

Hành trình đến với sân khấu của tôi trên đất Nhật

Bản thân tôi hiện đang tham gia câu lạc bộ Piano tại trường đại học Sophia ở Tokyo (上智大学ピアノの会 Jochi daigaku piano no kai). Hàng năm chúng tôi có sáu buổi biểu diễn chính thức và nhiều sự kiện giao lưu hay phối hợp cùng hội piano của các trường đại học khác như đại học Tokyo, Waseda, Keio, Meiji và Rikkyo, tạo thành Liên hiệp Piano sáu trường đại học ở Tokyo (東京六大学ピアノ連盟 Tokyo roku daigaku piano renmei).
Nghe hoà nhạc tại Nhật
Tác giả bài viết (váy xanh) chụp ảnh lưu niệm sau một buổi diễn.

Khi luyện tập piano ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ hình dung được rằng mình sẽ có cơ hội được biểu diễn dưới ánh đèn lộng lẫy trên sân khấu lớn. Vậy mà khi tôi tham gia vào câu lạc bộ piano ở trường đại học, việc được cùng các anh chị senpai và bạn bè biểu diễn tại các buổi hòa nhạc trở nên thường xuyên, giống như thể giấc mơ thuở nhỏ của tôi được biến thành hiện thực vậy. Sau nhiều giờ miệt mài luyện tập, khi tôi được khoác lên mình bộ váy dạ hội và lướt những ngón tay trên chiếc đàn Steinway, mỗi buổi hòa nhạc đều đi vào tâm trí tôi như những kỉ niệm thanh xuân rất đẹp.

Nghe hoà nhạc tại Nhật

Mỗi lần đăng kí biểu diễn là một lần tôi tìm hiểu lại hoàn cảnh sáng tác và ngẫm nghĩ về tác phẩm mình có vinh dự được trình bày trước khán giả.

Tôi học được từ các anh chị đi trước sự cầu tiến luôn hướng về phía trước, khiêm tốn nhưng tự tin vào khả năng của chính mình. Tôi luôn hy vọng rằng âm nhạc mình chơi sẽ đem lại niềm vui, dù là nhỏ bé cho những khán giả đã dành thời gian đến với mình.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU