Ngày hè nói chuyện quạt Sensu

Bài: Inako
Jul 5, 2018

Ảnh: PIXTA

Không chỉ có công dụng làm mát và trang trí, quạt xếp Sensu còn là một đạo cụ quan trọng trong kịch Noh, trà đạo, hôn lễ, tế lễ… hay một vật lấy may (engimono) biểu thị cho tình bạn, cho sự tôn kính và lòng thiện chí. Hiểu thêm về Sensu sẽ giúp bạn có một cái nhìn mới mẻ về vật dụng vừa lạ vừa quen này.

sensu

Không như lầm tưởng rằng quạt xếp có nguồn gốc Trung Quốc, kì thực chúng đã ra đời tại Nhật vào đầu thời Heian.

Nhìn chiếc quạt cánh dơi làm dịu cái nắng gay gắt của mùa hè, khó ai có thể tưởng tượng rằng cách đây khoảng 1200 năm, quạt xếp với kết cấu đơn giản chỉ gồm các nan gỗ, nan tre kết lại với nhau đã được nam giới Nhật Bản sử dụng để chép thơ hoặc ghi chú công việc. Dần dần bề mặt nan gỗ được vẽ thêm tranh để nữ giới quý tộc dùng như một vật trang trí. 

Không những thế, quạt cũng được những quý tộc Heian có tước vị cao dùng làm quà tặng cho những người có địa vị thấp hơn và gần gũi với mình. Văn hóa quà tặng này vẫn lưu truyền cho đến tận thời kì Edo, biểu hiện qua phong tục tặng quạt trắng cho những người thân thiết vào dịp đầu năm mới. Trong một số dịp lễ lộc, một chiếc quạt trắng được quấn loại giấy Washi mỏng gọi là Sugihara-gami cũng trở thành một quà tặng ý nghĩa.  

sensu

Khác với quạt phiến Uchiwa, Sensu có thể xếp gấp được.

Kể từ thời kì Edo, quạt xếp bắt đầu xuất hiện trong kịch sân khấu, các làn điệu cổ truyền… Trong kịch Noh, Kyogen hay Kabuki, từng chiếc quạt đều được quy định nghiêm ngặt về kiểu dáng, hoa văn để phục vụ cho riêng những ca khúc, vai diễn, tiết mục nhất định, ví như một “ước lệ” kinh điển. Chẳng hạn, nếu vai chính (Shite) là thần, nan quạt sẽ có màu trắng, rìa quạt hai bên được nhuộm đỏ, sử dụng trong các khúc nhạc nguyện cầu thái bình, mùa màng tươi tốt. Khi người diễn viên nâng chiếc quạt xòe lên cao hơn đầu và hướng mắt về phía xa, có nghĩa là nhân vật này đang nhìn xa xăm…    

sensu

Quạt Sensu chuyên dụng ngày nay cũng xuất hiện bên cạnh trang phục truyền thống trong các sự kiện trọng đại như hôn lễ, tế lễ… Nó được coi là một vật dùng để trao đổi, đính ước giữa nhà trai và nhà gái.

Sensu cũng là một Engimono biểu thị cho tình bạn, cho sự tôn kính và lòng thiện chí. Trong Trà đạo, nghi thức đặt Sensu trước gối mang hàm ý biểu thị sự kính trọng của mình dành cho đối phương. 

Ngày nay, nhắc đến quạt xếp truyền thống thì Kyo Sensu và Edo Sensu chính là hai dòng quạt chủ lưu.

Kyo Sensu: Ưu nhã và nữ tính

Kyo Sensu
- Ra đời tại Kyoto, mở đầu cho lịch sử quạt xếp Nhật Bản. Kyo Sensu không được sản xuất đại trà mà chỉ do Hợp tác xã Sensu – Uchiwa Thủ công đảm nhận mà thôi.

- Đặc điểm nổi bật là có rất nhiều nan, nếp gấp hẹp. Tạo ấn tượng hoa mỹ, cầu kì và chi tiết đến từng đường nét hoa văn. 

- Có đến 80 đầu việc để cho ra một chiếc quạt, mỗi chiếc đều phải đi qua bàn tay của tất cả các nghệ nhân. Chính sự công phu và kĩ thuật bí truyền đã tạo nên những chiếc quạt lộng lẫy tựa như những tác phẩm nghệ thuật.

Edo Sensu: Nam tính và độc nhất

Edo Sensu

- Phát triển tại Tokyo. Số nan chỉ khoảng 14 – 15, nếp gấp to. Từ phong cách thiết kế cho đến đường nét hoa văn đều đơn giản và cứng cáp.

- Trừ công đoạn vẽ hoa văn và sản xuất nan quạt ra, những khâu còn lại như xếp nan, đục lỗ, dán giấy, tạo nếp, chỉnh hình… đều do một nghệ nhân duy nhất thực hiện. Do đó Edo Sensu mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo. 

- Do khó được sản xuất với số lượng lớn nên chất lượng lẫn giá thành đều cao. Việc truyền nghề làm quạt Edo cũng gặp rất nhiều trở ngại.  

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU