Người đứng sau kiến trúc tuyệt đẹp của sân vận động Olympic Tokyo

Bài: Khánh HàJun 29, 2020

Khi những hình ảnh tuyệt đẹp của sân vận động Olympic ở Tokyo khiến giới mộ điệu nức lòng cũng là lúc tên tuổi của vị kiến trúc sư tài năng Kengo Kuma vươn khắp năm châu. Tuy nhiên, trước khi được biết đến với công trình quan trọng nhất của làng thể thao năm 2020 này, Kengo Kuma đã là cái tên lừng lẫy thế giới trong làng kiến trúc sư.

Giáo sư Kengo Kuma được đánh giá là một trong số những kiến trúc sư nổi tiếng nhất tại Nhật Bản với những công trình sáng tạo độc đáo, tinh tế và tử tế. Sự tử tế được ông thể hiện qua các kiến trúc lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên và sử dụng các vật liệu xanh, thân thiện với môi trường.

một số công trình của Kengo Kuma
30 trong số hơn 200 công trình của Kengo Kuma & Associates (ảnh chụp màn hình từ kkaa.co.jp).

Dường như sự sáng tạo của Kengo Kuma là không có giới hạn khi mà những công trình của ông hoàn toàn không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì, từ vị trí, địa hình cho đến vật liệu, thiết kế. Ông là người đã tạo nên chuẩn mực kiến trúc Nhật hiện đại - mềm dẻo nhưng vững chắc, khác biệt nhưng hài hòa, vừa thấm nhuần sự hòa hợp và minh triết của phương Đông, vừa song hành cùng sự hiện đại, đa năng và tối giản của phương Tây.

Khát khao xây dựng những kiến trúc tuyệt vời

Kengo Kuma sinh ngày 8/8/1954 tại thành phố Yokohama. Khi lên 10, ông đã được cha dẫn đến tham quan Sân vận động Quốc gia Yoyogi - một trong những sân vận động có kiến trúc đẹp nhất thế giới do kiến trúc sư Kenzo Tange thiết kế. Sân vận động này nổi bật với những đường dốc và thiết kế mái đình cổ kính tượng trưng cho thời kỳ hậu chiến của một đất nước đang phát triển. Khoảnh khắc choáng ngợp khi đứng trước công trình kiến trúc tuyệt đẹp ấy đã thôi thúc mong muốn trở thành một kiến trúc sư tương lai của cậu bé 10 tuổi.

Kengo Kuma
Chân dung KTS Kengo Kuma (ảnh: christiesrealestate.com).

Kuma tốt nghiệp Đại học Tokyo vào năm 1979. Sau khi tốt nghiệp, ông đã có một vài năm làm việc tại một công ty xây dựng lớn. Sau đó, Kengo Kuma đã dành một năm đến Đại học Columbia để làm học giả thỉnh giảng, và ở đây, ông đã có cơ hội gặp gỡ những kiến trúc sư hàng đầu của Mỹ vào thời gian đó, bao gồm Philip Johnson và Frank Gehry. Những kiến trúc sư tài năng ấy cùng Giáo sư Hiroshi Hara - người thầy của Kuma tại Đại học Tokyo đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ và truyền động lực cho ông để trở thành một kiến trúc sư tuyệt vời như hiện tại.

Và giấc mơ của cậu bé Kengo Kuma năm lên 10 dường như đã trở thành hiện thực khi vào năm 1987, Kengo Kuma đã thành lập Spatial Design Studio và được đổi tên thành Kengo Kuma & Associates vào năm 1990.

Người quan tâm đến cuộc đối thoại giữa kiến trúc và nhân loại

Đầu những năm 1980, Kuma từng cùng giáo sư Hara thực hiện chuyến nghiên cứu dài 2 tháng tại châu Phi. Chuyến hành trình nghiên cứu ấy đã thuyết phục Kuma về những vật liệu bản địa, kỹ thuật xây dựng đơn giản cũng như việc đồng cảm với môi trường, địa hình hơn là áp đảo nó. 

Cuộc suy thoái kinh tế năm 1992 diễn ra đã khiến Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề. Suốt 10 năm, ông không tìm được việc làm ở Tokyo mà phải thiết kế những căn nhà nhỏ ở ngoại ô Nhật Bản. Tuy nhiên, đó lại chính là khoảng thời gian tạo nên nhiều thay đổi trong tư duy kiến trúc của Kuma. Khoảng thời gian làm việc ở ngoại ô cho ông cơ hội để học cách sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên, đồng thời khai phá những khía cạnh tuyệt vời trong kiến trúc của những ngôi nhà địa phương trong cả hình dáng và chất liệu. Ông cũng có thời gian để tự học và thực hành với các vật liệu địa phương cùng những kỹ thuật truyền thống. Ngoài ra, việc tham gia cùng những nhóm thợ thủ công tại địa phương cũng giúp Kuma cố gắng khai thác, tìm kiếm sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

the exchange australia
Công trình đầu tiên của KTS Kengo Kuma tại Úc mang tên The Exchange (ảnh: dezeen.com).

Những nỗ lực của Kengo Kuma nhằm đưa con người thoát khỏi sự tù túng và ngột ngạt của những khối hộp bê tông, tạo nên cho con người một không gian tinh tế, hiện đại nhưng vẫn đủ gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên. Tất cả các công trình của ông không được xây dựng trên một phong cách xác định, mà được chú trọng vào cảm giác nó mang lại cho con người cũng như mối liên kết của kiến trúc và tự nhiên.

KTS Kengo Kuma còn nổi tiếng với triết lý anti-object của mình, ông khẳng định đây chỉ đơn giản là cách giảm nhẹ vai trò của kiến trúc, là công cụ, nền tảng để kết nối con người với tự nhiên. Anti-object, theo ông, là dạng kiến trúc tồn tại như không tồn tại và ý nghĩa tồn tại của nó chính là cuộc đối thoại mà nó tạo ra giữa công trình và con người, giữa kiến trúc và nhân loại. 

Một số công trình của KTS Kengo Kuma

Kuma được ví là kiến trúc sư di động. Ông ghé thăm nhiều nơi trên thế giới, tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau và tìm kiếm nhiều dự án uy tín từ Dallas đến Dundee, từ Sydney đến Sao Paulo. Ông luôn nhắn nhủ các sinh viên trẻ của mình rằng nên du lịch đến các địa điểm mới để tìm kiếm cảm hứng và sự sáng tạo cho những công trình của mình. “Đọc sách không mang lại nhiều ý tưởng lớn như đi bộ. Bằng cách du lịch, chúng ta có thể chạm vào vật liệu, cảm nhận chúng và cảm nhận về quy mô."

Có lẽ vì đi nhiều, trải nghiệm nhiều, học hỏi và làm việc nhiều, nên ở bất kỳ đâu, bất kỳ quốc gia nào, địa phương nào, công trình do Kengo Kuma xây dựng luôn tạo nên một dấu ấn nhất định, mang sắc màu rất riêng của nơi đó. 

V&A museum
Bảo tàng V&A tại thành phố Dundee (ảnh: archdaily.com).

Tại Scotland, ông đã thiết kế bảo tàng V&A tại thành phố Dundee. Tòa nhà được xây dựng dựa trên hình những nếp gấp trên vách đá của vùng biển Đông Bắc với 2.500 tấm bê tông chồng lên nhau. Cùng với đó, hai khối kiến trúc này được bao quanh bởi nước, chính điều đó tạo nên sự phản chiếu với đất trời, thiên nhiên, khiến người ta có cảm giác dường như mình đang thật sự đứng nơi vách đá. “Tôi cảm thấy như trái đất và đại dương có thể trò chuyện cùng nhau”, Kengo Kuma chia sẻ về công trình này.

V&A museum
Toàn cảnh bảo tàng V&A được tạo nên từ 2.500 tấm bê tông chồng lên nhau (ảnh: archdaily.com).

Ngay cả công trình Waterina Suites của ông tại Việt Nam cũng lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang Tây Bắc. Đây là công trình phá vỡ mọi lối mòn trong thiết kế tại Việt Nam, mang đến cho Sài Gòn nói riêng và đất nước hình chữ S nói chung một công trình mềm mại, dịu dàng, tinh tế và nghệ thuật. Với công trình này, nước đã trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo và là điểm nhấn ngoại thất cho công trình. Thay vì là những đoạn ban công vuông vức, gọn ghẽ, Kuma đã dùng những đường cong lượn mềm mại để tạo nên sự khác biệt cho công trình đầu tiên của mình tại Việt Nam. Waterina Suites hiện lên như một đóa hoa sóng nước lấp lánh trong bức tranh đô thị có phần khô cứng, ngột ngạt của Sài Gòn. Chúng dường như còn đưa cả thiên nhiên, gió, nước, không khí đến hòa nhập với cuộc sống mỗi gia đình.

Waterina Suites
Công trình Waterina Suites tại Việt Nam (ảnh: archello.com).
Waterina Suites
Những đường cong lượn mềm mại của Waterina Suites (ảnh: archello.com).

Gần đây nhất, Kengo Kuma đã giới thiệu đến thế giới một công trình đặc biệt của mình - sân vận động quốc gia mới tại Nhật Bản nhằm chào mừng kỳ thế vận hội Olympic Tokyo 2020 lớn nhất hành tinh. Sân vận động có 5 tầng nổi và 2 tầng ngầm, được thiết kế theo phong cách truyền thống của Nhật Bản. Phần mái được làm chủ yếu từ gỗ, cùng sự bảo bọc của những hàng cây xanh bên ngoài tạo nên cho nơi này sự kết nối và gần gũi với thiên nhiên.

Sân vận động quốc gia mới
Sân vận động quốc gia mới ở Tokyo (ảnh: PIXTA).
sân vận động quốc gia mới ở Tokyo
Bên trong sân vận động quốc gia mới ở Tokyo (ảnh: inhabitat.com).

Với lối tư duy kiến trúc đầy sáng tạo của mình, Kengo Kuma thật sự đã mang đến cho thế giới những công trình rất riêng, độc đáo, mới lạ và đầy tử tế. Ông chính là hiện thân rõ nét nhất cho sự kết nối, giao thoa giữa lối kiến trúc hiện đại và sự hòa hợp với thiên nhiên, tử tế với con người. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU