Trò chơi truyền thống của trẻ em Nhật Bản

Bài: Sam SamOct 22, 2018

Nếu như trẻ em Việt Nam thời xưa thường chơi banh đũa, bắt sỏi, tạt lon, đi cà kheo, nhảy dây, ô quan… thì trẻ em ở Nhật cũng có những trò chơi dân gian truyền thống và những câu đồng dao quen thuộc.

Những trò chơi truyền thống dành cho bé trai

Takeuma

Take trong tiếng Nhật có nghĩa là cây tre. Uma là con ngựa. Hiểu một cách nôm na là trò chơi ngựa tre (Tựa như trò chơi đi cà kheo ở Việt Nam). Người chơi bằng sự khéo léo của mình phải giữ thăng bằng trên đó và người chơi giỏi sẽ là người phi nước đại trên đôi chân giả ấy như 1 chú ngựa thực thụ, hoặc tranh tài với nhau, nhảy lò cò chỉ bằng 1 bên cây cà kheo, còn cây kia vác trên vai…

trò chơi cà kheo tại Nhật
Trò chơi cà kheo tại Nhật. (Ảnh: jpinfo.com)

Khởi nguồn của trò chơi này bắt nguồn từ Trung Quốc, dường như đã được truyền đến Nhật Bản vào thời Heian (giữa thế kỷ thứ 10), tại thời điểm đó takeuma có hình dạng là harukoma (1 thanh tre ngắn, trên đầu có gắn hình đầu ngựa), đến thời đại Edo nó có hình dạng takeuma phổ biến như ngày nay.

Ngày nay takeuma được biến thể, bắt ốc vít vào chỗ đặt chân đã được tạo hình bàn chân xinh xắn, và các thanh tre được trang trí, sơn phết nhiều màu và có lớp học dạy chơi takeuma, các bé gái cũng tham gia vào lớp học này chứ không dành riêng cho bé trai như xưa. 

Menko

Menko là trò chơi ném dĩa được lưu hành ở Nhật vào thế kỉ 18. Những miếng Menko làm bằng những miếng giấy dày, cứng có hình tròn hoặc hình chữ nhật. Trên có 1 mặt in những nhân vật nổi tiếng và được yêu thích vào thời bấy giờ như các võ sĩ samurai, các cầu thủ bóng chày, các võ sĩ sumo, các nhân vật hoạt hình, các anh hùng, ngôi sao điện ảnh,… Trò chơi này tựa như trò ném hình ở Việt Nam thập niên 90, trong những bịch bắp nổ kèm bên trong là hình in các nghệ sỹ cải lương nổi tiếng,các cầu thủ… nổi tiếngMenko trò chơi ném dĩa
Menko là trò chơi ném dĩa được lưu hành ở Nhật vào thế kỉ 18. (Ảnh: Wikipedia)
Cách chơi: Quyết định lượt chơi bằng cách chơi 1 trò khác là Jan–Ken-Pon (oẳn tù xì)
Tất cả những người chơi trong nhóm sẽ đặt Menko xuống đất. Người chơi đầu tiên sẽ dùng Menko của mình, sử dụng áp lực của gió để ném một trong những miếng Menko của người khác bật lên.
Nếu một Menko trên mặt đất bị lật lên, người ném sẽ coi như thắng cuộc. Nếu không có Menko nào tung lên, thì sẽ tới lượt người chơi thứ hai, thứ 3… Người nào giữ nhiều Menko nhất là người thắng cuộc trong nhóm đó.  

Beigoma

Beigoma là những con quay làm bằng gỗ hoặc sắt. Mọi người sẽ tranh tài với nhau bằng cách ném con quay cùng một lúc lên bục làm từ cái thùng nhỏ quấn khăn bên ngoài, phủ trên miệng thùng 1 tấm chiếu hoặc bạt, dùng dây tạo ra 1 lực để quất những con quay của đối phương chạy ra khỏi vòng qui định. Con vụ nào vẫn còn trụ lại trên bục, và ngừng quay sau cùng là người chiến thắng. Trò này du nhập vào Nhật Bản khoảng 1000 năm trước đây từ Trung Quốc từ thời Edo. Có tài liệu cho rằng nó bắt đầu từ thời heian, ở vùng lân cận của Tokyo, các cậu bé thường lượm những con ốc biển có tên gọi là baikaiバイ貝”có vỏ tựa như 1 loại ốc sên,cột dây để xoay những con ốc ấy làm thú vui.
Con quay Beigoma
Con quay Beigoma. (Ảnh: jpinfo.com)

Về tên gọi beigoma, sau khi được truyền tới vùng Kanto nó trở thành tên baigoma và beigoma, ngày nay ở vùng Kansai vẫn gọi là Bai hoặc là baigoma. Hình dạng con quay bằng sắt thép như hiện nay được hình thành từ cuối thời Minh Trị đến giữa thời Taisho. Sau đó, từ cuối thời Taisho đến đầu thời showa, bọn trẻ con các thành phố dưới Tokyo bắt đầu trào lưu chơi con quay, trong thời kì chiến tranh, do việc cấp phát kim loại, nên hình dáng bằng kim loại sắt thép biến mất.Thay vào đó là các Beigoma từ chất liệu gốm, sành sứ ra đời.

Sau chiến tranh từ thời Showa những năm 20 đến cuối sau những năm 30, trò chơi trở nên thịnh hành, và nhiều xưởng chế tạo những con quay vụ ra đời để đáp ứng cho nhu cầu đó. Ngày nay, bằng sự tiến bộ của mình, họ đã cho ra đời những con quay vụ nhiều màu sắc khác nhau,và có cả loại có phát ra âm thanh vui nhộn….

Trò chơi truyền thống của bé gái

Ayatori

Chỉ với một sợi dây dài cột hai đầu lại với nhau thành một vòng tròn sẽ thành 1 dụng cụ để thắt thành những hình độc đáo như cây chổi, cái thang, tòa tháp Tokyo... Khi thi trổ tài với nhau, một người giữ sợi dây theo một hình cố định, còn người kia thắt một hình khác. Người nào phạm luật hoặc làm hỏng hình dự định tạo ra là người thua cuộc.

Chơi dây Ayatori

 Trò chơi tạo hình bằng dây thun. (Ảnh: Flickr)

Ngày nay, đối với những người chơi Ayatori thành thạo thì việc sử dụng ngón tay, cổ tay, hoặc tay thì quá đỗi bình thường. Họ sẽ biểu diễn với kĩ thuật cao hơn bằng miệng, các ngón chân, khuỷu tay, đôi khi sử dụng cả đầu gối. Trò này không chỉ hấp dẫn trẻ con, mà tầng lớp thanh thiếu niên hiện nay cũng bị mê hoặc. 

Otedama

Các túi đậu dùng để chơi otedama được gọi là ojami. Người chơi bỏ đậu, hạt cườm nhỏ vào túi. Người chơi phải vừa tung vừa hứng túi đậu vừa hát. Khi đôi tay đã thuần thục thì tăng lên hai, ba, bốn túi.

Otedama là một trong những trò chơi lâu đời nhất trên thế giới. Theo một cuộc khảo sát của các giáo sư toán học từ Hoa Kỳ của Viện Công nghệ Massachusetts, thì trò chơi Otedama là trò chơi có kỷ lục lâu đời nhất trên thế giới- 4000 năm trước đây ” Khoảng năm 1994 đến năm 1781 trước Công Nguyên, người ta phát hiện trong ngôi mộ của hoàng tử Hassan của Vương quốc Ai Cập Cổ đại có vẽ hình con gái đang chơi trò otedama

trò chơi túi đậu Otedama
https://www.pinterest.com/pin/33284484725470872/

Ohajiki

Hajiku trong tiếng nhật có nghĩa là “búng”, đúng như tên gọi, trò chơi ohajiki là luân phiên nhau dùng ngón tay búng những miếng gọi là Ohajiki để chúng chạm vào những miếng khác. Trò này gợi liên tưởng tới trò búng ăn dây thun, hoặc bắn bi ở Việt Nam mình

trò chơi ohajiki

Người chơi sẽ quyết định lượt chơi bằng cách chơi 1 trò khác là Jan–Ken-Pon (oẳn tù xì). Người thắng trong trò oẳn tù xì sẽ dùng một tay gom tất cả ohajiki (có thể là đá cuội nhỏ,đá sỏi) của người tham gia chơi lại, rải lên 1 mặt phẳng như sàn nhà, trên bàn, trên chiếu… Sau đó, người chơi chỉ ra hai viên ohajaki, và vẽ một đường tưởng tượng giữa chúng để cho thấy người đó dự định búng hai miếng vào nhau bằng cách nào. Nếu người chơi búng trúng miếng đã chọn, người đó sẽ giữ nó. Nếu không, sẽ đến lượt người khác. Cuối cuộc chơi, người nào có nhiều miếng nhất sẽ là người thắng. Vào thời đại Minh Trị, những viên ohajiki bằng thủy tinh có hình dạng dẹt mỏng có đường kính cỡ 12mm như hiện nay xuất hiện.

Nhật Bản đang nỗ lực giữ gìn, khôi phục nhữn trò chơi truyền thống này bằng cách tổ chức thi thố, chơi đùa trong các lễ hội, ứng dụng điện thoại thông minh cập nhật cả trò chơi ayatori… Vì những trò chơi dân gian truyền thống này không chỉ đem lại giá trị về mặt giải trí, mà thông qua đó sự sáng tạo, lòng kiên nhẫn và sự khéo léo cũng như rèn luyện thể chất được nâng cao.

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU