Rau dại, nguồn thực phẩm quý giá từ thiên nhiên

Bài: TRƯƠNG MINH NHẬT
May 29, 2020

Hình ảnh: PIXTA

Các loại thảo mộc hoang dại thường được tìm thấy trên núi và các cánh đồng Nhật Bản. Và từ rất lâu chúng đã trở thành thực phẩm trong các bữa ăn hằng ngày của người Nhật. Có rất nhiều món ăn ngon được chế biến từ những loại rau dại này.

Rau dại còn được người Nhật gọi chung là "rau núi đồi" vì chúng được tìm thấy khá nhiều ở các vùng sườn đồi và sinh trưởng rất tốt ở những khu vực này. Nhật Bản là một quốc gia mà núi và đồi chiếm đa phần diện tích, ước tính có trên 300 chủng loại rau dại khác nhau ở Nhật Bản và chúng được xem là nguồn thực ẩm an toàn cho sức khỏe.

Rau dại thường sinh trưởng theo mùa, sự đa dạng về chủng loại của rau dại đã giúp người ăn thay đổi khẩu vị. Trước đây trong quá khứ, khi nước Nhật lâm vào nạn đói, chính rau dại đã phát huy công dụng của nó và từng cứu sống rất nhiều người. Một số trường tiểu học đã đưa môn học về rau dại vào các tiết học ở trường để nâng cao nhận thức của giới trẻ về nguồn thực phẩm tự nhiên gần gũi này.

Cây bạch chỉ (Aralia elata)

Loại rau được săn tìm nhiều nhất chính là đọt cây bạch chỉ, loại rau này rất ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Người ta thường gọi chúng là vua của các loại rau dại. Thân cây bạch chỉ có thể với tới độ cao 2m và mọc đầy gai nhọn. Nhưng vào đầu mùa xuân trên các thân cây cao này bắt đầu đâm những chồi non man mát. Những chồi non có thể ăn được này được người ta thu hoạch bằng cách dùng tay bẻ nhẹ nhàng. Vì bạch chỉ có vị rất đắng nên người ta không thể dùng chúng để ăn sống được. Do vậy để giảm bớt vị đắng, trước khi được chế biến thành món ăn người ta phải luộc đọt bạch chỉ trong nước sôi, sau đó để ráo nước đem lăn bột chiên giòn.

cây bạch chỉ
Cây bạch chỉ - một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao.

Cây dương xỉ hoàng gia (Japanese royal fern)

Dương xỉ hoàng gia có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết ấm áp. Trong một ngày chúng có thể mọc cao hơn thêm 5cm và do vậy chỉ trong vòng 1 tuần là người ta đã có thể thu hoạch đọt non của dương xỉ để chế biến thức ăn. Dương xỉ hoàng gia thường chứa nhiều chất xơ, vitamin, canxi và khoáng chất. Vì vậy chúng được gọi là nữ hoàng của các loài rau dại chỉ sau cây bạch chỉ. Cũng giống như cây bạch chỉ, dương xỉ cũng có vị đắng, nên sau khi hái về người ta mất một khoảng thời gian để sơ chế và loại bỏ vị đắng. Dương xỉ hầm nước tương là món ăn được người Nhật ưa chuộng nhất. Ngoài dùng để chế biến món ăn, dương xỉ hoàng gia còn là nguyên liệu quý giá để dệt nên những tấm vải may áo Kimono truyền thống khá nổi tiếng của vùng Tohoku.

cây dương xỉ hoàng gia
Đọt non của dương xỉ hoang gia được dùng để chế biến thức ăn.

Xem thêm về nghệ thuật trường thọ của người Nhật tại đây.

Cây ngải cứu (Mugwort)

Cây ngải cứu là một loại rau dại dễ dàng tìm thấy trên khắp Nhật Bản. Ngải cứu có mùi thơm nồng, thân và lá giàu vitamin. Đây còn là loại cây chứa vị thuốc chữa bệnh rất hay. Vào đầu mùa xuân, người Nhật có truyền thống dùng lá ngải cứu non luộc chín rồi giã chung với bột nếp để làm bánh dày Mochi ngải cứu. Bánh có mùi thơm và xanh tươi của ngải cứu. Đây là một món ăn không thể thiếu trong các gia đình Nhật Bản. Ngoài ra, thân cây ngải cứu còn được sử dụng để làm thuốc nhuộm vải.

cây ngải cứu
Ngải cứu có mùi thơm nồng, giàu vitamin.

Mối quan hệ gắn bó giữa con người và rau dại đã xuất hiện ở Nhật từ hàng ngàn năm qua. Người ta tin rằng ăn rau dại vào đầu năm mới có thể xua tan điềm xui và như vậy những điều may mắn sẽ đến. Thói quen chế biến món ăn từ các loại rau dại cần được duy trì và phổ biến. Vì đó là thói quen tốt giúp con người gần hơn với thiên nhiên và biết yêu quý thiên nhiên. 

kilala.vn

Có thể bạn quan tâm

CÙNG CHUYÊN MỤC

BÀI ĐỌC NHIỀU